Rời bỏ vị trí của một giảng viên ngành marketing và thiết kế ở Mỹ để bước vào ngành công nghệ từ con số 0, Lea Trúc giờ đã trở thành người phụ nữ khởi lập nên cả cộng đồng cho những người phụ nữ khác muốn theo đuổi công việc lập trình.
Đó không chỉ là một cú “rẽ ngang” đầy đột ngột, mà còn là hành trình không ngừng khẳng định với cả thế giới rằng, phụ nữ Việt cũng đầy bản lĩnh để dấn thân vào lĩnh vực công nghệ.
- Từng là thạc sĩ và làm giảng viên đại học ở Boston, điều gì khiến chị từ bỏ tất cả để chuyển hướng sang công nghệ?
Đó là khao khát được phát triển và làm mới bản thân. Khi còn là một giảng viên đại học, tôi luôn cảm thấy một chút bức bối khi mọi thứ quanh mình lúc nào cũng lặp đi lặp lại. Cuộc sống chỉ như một đường thẳng trong khi mình mới chỉ đôi mươi.
Trong khi đó, ngành lập trình là một lĩnh vực mà trước giờ tôi đều rất là sợ hãi, nhưng đồng thời cũng rất tò mò. Bản thân vốn không có nhiều nền tảng về công nghệ nhưng tình cờ, lại nhận thấy có rất nhiều cơ hội.
Ngay trong quá trình làm giảng viên ở Boston, tôi có cơ hội tham dự nhiều hội thảo chia sẻ về các dự án công nghệ có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội tại đại học MIT và Harvard. Khi đó, tôi được chứng kiến rất nhiều người phụ nữ bản lĩnh, họ tỏa sáng trên bục diễn giả với những thành tựu xuất sắc của bản thân.
Nhưng điều này rất khó gặp được tại những hội thảo công nghệ diễn ra ở Việt Nam tại thời điểm đó. Tôi muốn bản thân phải làm được một thứ gì đó khác biệt, góp phần thay đổi những định kiến về phụ nữ trong lĩnh vực này.
Một người bạn làm kỹ sư phần mềm ở Mỹ thậm chí đã bảo rằng, “Em sẽ không bao giờ thành công được trong ngành này đâu, đừng cố gắng lãng phí thời gian, công sức". Cũng có rất nhiều người khác can ngăn vì cho rằng tôi khởi đầu quá muộn so với mọi người.
Nếu quyết định “rẽ ngang”, tôi sẽ phải từ bỏ công việc ổn định hiện tại, cũng từ bỏ rất nhiều thức khác để bắt đầu lại từ con số 0. Chắc chắn tôi cũng phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc kết quả đã dẫn tới đâu.
Tuy vậy, lúc đó, trong tôi chỉ hiện hữu một câu hỏi: “Nếu như không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì còn đợi đến khi nào nữa?”
Trước khi bắt đầu, không ai có thể quyết định tôi có làm được điều đó hay không. Khả năng của mình ở đâu sẽ do chính bản thân mình quyết định, sau khi đã nỗ lực hết sức mình. Do đó, tôi mạnh dạn dấn thân vào một con đường hoàn toàn mới.
- Sau quyết định chuyển hướng, chị đã gặp những khó khăn gì?
Vào thời điểm đó, tôi đã xác định, mình bắt buộc phải có những sự đánh đổi nhất định. Nếu ở tiếp tục làm giảng viên Boston, cuộc sống của tôi sẽ rất ổn định. Nhưng tôi không chỉ nghỉ việc, mà còn chuyển về Việt Nam để bắt đầu lại mọi thứ.
Ban đầu, tôi cũng có kế hoạch vừa học, vừa tiếp tục đi dạy tại Việt Nam. Nhưng thời điểm bắt đầu làm thì tôi nhận ra, điều đó sẽ khiến tôi không thể tập trung 100% vào việc học và phát triển những kĩ năng mới về công nghệ được. Sau đó tôi quyết định nghỉ hẳn công việc chính.
May mắn, tôi luôn có được sự ủng hộ từ gia đình và người thân. Họ trở thành nền tảng vững vàng nhất, giúp tôi có thể tiếp tục kiên trì với quyết định của mình, mạnh mẽ tiến bước về phía trước, rồi mới có thể gặt hái trái ngọt như ngày hôm nay.
Hiện tại nhìn lại, tôi thấy mọi sự đánh đổi của mình là hoàn toàn xứng đáng. Thật sự rất là đáng. (cười)
- Tại sao chị lựa chọn trở về quê hương Việt Nam để đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình công nghệ?
Khi còn ở Boston, tôi đã tự học rất nhiều về lập trình nhưng vẫn nhận thấy rằng, để bản thân phát triển nhanh thì cũng cần có một môi trường phát triển nhanh về công nghệ. Tôi chợt nung nấu mong muốn trở về Việt Nam.
Tôi tin rằng quê hương chính là môi trường để mình có thể học tập và phát triển nhanh nhất có thể. Khi về đây, tôi cũng có gia đình ở bên nên không cần phải lo lắng quá nhiều về cuộc sống, không phải một mình bươn chải như khi ở nước ngoài. Do đó, tôi có thể hoàn toàn tập trung vào việc nâng cao kĩ năng.
Nhất là khi quê hương cũng đang rất cần những người như chúng tôi, để cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước, để lan tỏa khát vọng phụ nữ cũng có thể làm chủ công nghệ như bao đấng mày râu.
- Ban đầu, trên hệ thống Women Techmakers (Nữ nhân công nghệ) của thế giới không có tên Việt Nam. Chị đã làm gì để thay đổi điều này?
Tôi cảm thấy là người tiên phong, Founder của dự án Women Meet Tech, nhiệm vụ của mình đã vô cùng thành công. Chỉ 6 tháng sau khi phải nghe những lời phủ định ban đầu, tôi đã có thể lần đầu tiên tiến hành một workshop dành cho các bạn nữ về lập trình web ở TP. Hồ Chí Minh.
Tôi cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam học về một framework mới của Facebook. Do đó tôi có cơ hội được họ mời đi làm một số hội thảo công nghệ. Sau Facebook là đến Google, rồi tới Lãnh sự quán Mỹ…
Vào đúng thời điểm, tôi đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ các tổ chức, từ Lãnh sự quán, cũng như các cộng sự. Đó đều là những cơ hội tuyệt vời để lan tỏa thông điệp mà tôi muốn gửi gắm, muốn giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ.
Trong suốt hành trình hơn 2 năm vừa qua, tôi đã góp phần vào quá trình đào tạo của 2000+ người, chia sẻ rất nhiều về vấn đề kĩ thuật, các kỹ năng để định hướng và tự tin hơn trong sự nghiệp của mình, đặc biệt là với các bạn nữ. Hiện tại, năng lực của phụ nữ Việt đã được ghi nhận tốt hơn, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hơn để phụ nữ tỏa sáng trong lĩnh vực công nghệ.
Bước tiếp theo đây, tôi hy vọng những thế hệ kế cận sẽ tiếp tục lan tỏa và phát huy tinh thần đó tại Việt Nam, để cộng đồng nữ nhân công nghệ tiếp tục được mở rộng và phát triển.
- Khó khăn lớn nhất chị gặp phải khi duy trì và phát triển Women Meet Tech là gì? Làm cách nào để chị vượt qua?
Hành trình 3 năm vận hành Women Meet Tech thực ra không quá phức tạp. Kết quả này có công lao chủ yếu là nhờ sự bảo trợ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cùng với các cộng sự tâm huyết bên cạnh tôi.
Thách thức lớn nhất với chúng tôi là làm sao để có thể mở rộng quy mô, lan tỏa và phát triển cộng đồng nữ nhân công nghệ ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Khi mà mình muốn đem lại giá trị lớn hơn cho cộng đồng, xã hội thì mình càng cần sự đầu tư, trau chuốt.
Đây cũng là một động lực để tôi tự động viên bản thân, nhất định phải trở thành một diễn giả tốt, có thể đứng ra câu chuyện của mình với càng nhiều người, từ đó lan tỏa được càng nhiều thông điệp quan trọng. Thông qua những bài chia sẻ tại TEDx, Google, Facebook, cũng như các ban ngành chính phủ tại Việt Nam, Úc, Mỹ, tôi sẽ có thể đưa ra một góc nhìn hoàn toàn mới về lĩnh vực công nghệ.
Thực tế, trong cộng đồng công nghệ, trong lĩnh vực lập trình vẫn có rất nhiều người phụ nữ giỏi giang. Tuy nhiên, sở trường của họ rất chuyên sâu về kỹ thuật. Họ có thể chia sẻ các vấn đề kỹ thuật trong cộng đồng chuyên ngành. Nhưng nếu yêu cầu họ chia sẻ về vấn đề trước đông đảo đại chúng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, truyền tải những concept trừu tượng sao cho đơn giản, dễ hiểu và truyền cảm hứng, đó là một thách thức hoàn toàn khác.
- Đến giờ, vị thế của Việt Nam trên bản đồ nữ nhân công nghệ thế giới đã có gì thay đổi?
Trong hệ thống Women Techmakers thế giới hiện nay, cộng đồng Việt Nam cũng đã được ghi nhận với nền tảng nhân lực nổi bật. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta có thể đang nằm trong Top 3~4.
Minh chứng rõ rệt nhất cho sự thay đổi này là khi bạn tìm hiểu về Women Techmakers trên các công cụ tìm kiếm, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của những người phụ nữ Việt, chẳng hạn như cá nhân tôi. Có rất nhiều sự kiện công nghệ hàng đầu trên thế giới, tổ chức tại Úc, Singapore hay Mỹ, cũng đã liên hệ và mời tôi tham gia. Đến nay tôi đã đại diện Việt Nam chia sẻ kiến thức công nghệ và bình đẳng giới trên hơn 13 quốc gia.
Điều này cho thấy rằng, thế giới đang dần nhận thức và đánh giá cao sự hiện diện của những cá nhân đến từ Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là quá trình không ngừng nghỉ để chúng ta nêu cao tiếng nói của mình, để thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ Việt đang làm chủ công nghệ.
- Trở thành đại sứ đầu tiên của Google Techmakers tại Việt Nam, đồng thời cũng nhận được giải thưởng Ngoại giao Liên bang của Mỹ. Những thành quả ngọt ngào này có ý nghĩa gì với chị?
Cả hai thành tựu này đều là những bước ngoặt quan trọng nhất đời tôi. Đó là cơ hội để tôi và cộng đồng Women Meet Tech có thể được biết đến nhiều hơn. Từ đó, chúng tôi cũng dễ dàng lan tỏa câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa.
Năm vừa qua, Google Úc và New Zealand mời tôi tham gia Generation Google Scholarship Program 2022 - Châu Á Thái Bình Dương, với cương vị một chuyên gia đào tạo (expert trainer) cho hơn 40.000 ứng cử viên trên khắp thế giới. Đồng thời tôi cũng trở thành cố vấn cho một số chương trình về công nghệ. Một trong số đó là Women Developer Academy của Google Developers.
Thời điểm mà tôi có thể đứng trước rất nhiều chuyên gia, kỹ sư phần mềm của những đơn vị công nghệ hàng đầu như Google, Facebook để nói về thành tựu của mình, đó là khoảnh khắc mà tôi không bao giờ có thể quên được.
Đây trở thành một niềm cảm hứng to lớn để những người phụ nữ khác cũng khao khát đứng lên, làm được những điều tương tự như vậy.
- Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, chị nghĩ sao về câu nói “Ngành công nghệ chỉ dành cho nam giới”?
Ngay từ đầu, tôi đã xác định không có bất cứ rào cản giới tính nào trong mỗi nghề nghiệp. Chỉ khi xác định như vậy thì mình mới bắt đầu học được.
Một trong những lý do mà tôi chọn ngành này là trong công việc lập trình, máy tính đâu có nhận thức được người viết code là nam hay nữ, già hay trẻ, lớn hay nhỏ gì đâu. Chỉ cần mình viết code hướng dẫn máy tính đúng thì máy sẽ chạy ra kết quả, nếu sai thì xuất hiện lỗi error, vậy thôi. Đây vốn là ngành nghề không có bất cứ liên quan gì đến giới tính.
Nhiều người thường nói rằng, một số ngành nghề phù hợp với phụ nữ, một số khác phù hợp với nam giới hơn. Bản thân tôi lại không thấy có bất cứ mối liên quan nào giữa giới tính và công việc.
Là nam hay nữ thì chúng ta cũng có thể làm được y tá, làm được lập trình viên, làm được kỹ sư phần mềm... Bạn bè tôi có nam làm y tá rất giỏi, có nữ là kỹ sư cấp cao quản lý team lớn toàn kĩ sư nam. Tất cả là do cá tính riêng, kỹ năng riêng của mỗi người cũng như là năng lực và kiến thức của mình đến đâu mà thôi.
Nếu trong đầu mình cứ nghĩ công nghệ là lĩnh vực dành cho nam giới thôi, mình không đam mê, không dám dấn thân, thì mình sẽ hoàn toàn không có cơ hội để phát triển. Điều đó không có nghĩa là mình không có khả năng để làm việc trong lĩnh vực này.
Đặt trong trường hợp nếu như con gái tôi muốn chơi lắp ghép, nhưng tôi nghĩ lắp ghép chỉ dành cho con trai, rồi tôi hướng cho con gái chỉ chơi búp bê. Kết quả, đương nhiên tư duy của bé sẽ chỉ biết về búp bê thôi, không biết về bất cứ thứ gì khác.
Do đó, điều quyết định sự nghiệp là do cách suy nghĩ của mỗi người, chứ không phải là giới tính của họ. Là một người mẹ, tôi cũng muốn trở thành một hình mẫu để con mình có thể thấy rằng, con muốn cái gì, thích cái gì thì có thể tự do khám phá điều đó, chứ không cần phải nghe theo những áp đặt của người ngoài, của định kiến xã hội.
- Trong thực tế, cá nhân chị thấy phụ nữ có những ưu thế gì để phát triển trong lĩnh vực công nghệ?
Dù là đàn ông hay phụ nữ đều có những thế mạnh riêng của mình, như tôi đã nói, điều đó phụ thuộc vào năng lực cá nhân chứ không phải giới tính. Bạn sẽ thường nghe thấy, phụ nữ được khen là có khả năng đi vào chi tiết tốt, có khả năng giao tiếp tốt, quản lý tốt. Nhưng trong thực tiễn, rất nhiều phái mạnh cũng có thể đi vào chi tiết, cũng có thể giỏi về quản lý, giỏi trong giao tiếp. Giới tính có nghĩa lý gì đâu, đúng không? (cười)
Tuy vậy, bản thân người phụ nữ có một trọng trách rất thiêng liêng và độc nhất vô nhị, đó là làm mẹ. Dựa trên trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra, kể từ khi có con, tôi có khả năng đồng cảm tốt hơn với mọi người.
Trước kia, khi tôi là quản lý, nếu như có một nhân viên cấp dưới rất hay nghỉ làm với lý do đột xuất, tôi sẽ thấy đôi chút khó chịu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi hiểu rằng mỗi người đều có những lo toan riêng dành cho gia đình, do đó tôi sẽ dành thời gian để tìm hiểu, nói chuyện và giao lưu với người ta. Một cuộc giao tiếp có sự đồng cảm hơn thì sẽ dễ đạt được tiếng nói chung, giúp cho công việc được giải quyết thuận lợi hơn.
Cũng có một số trường hợp phụ nữ đang mang bầu không được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng. Các công ty không đánh rớt họ dựa trên thực lực, mà chỉ đơn giản vì họ là phụ nữ và họ đang thực hiện một trọng trách của người phụ nữ - đó là mang thai.
Tôi có thể nhận ra rằng, người phụ nữ đang mang bầu mà vẫn phải đi tìm việc làm thay vì nghỉ ngơi, chứng tỏ họ đang cần thêm tài chính để trang trải cuộc sống . Trong phạm vi năng lực của mình, tôi sẽ trao cho họ một cơ hội nữa, hoặc đề xuất để họ tham gia một vài dự án nhỏ ngắn hạn.
Quá trình thay đổi những định kiến đó phải bắt nguồn ngay từ trong đầu mình. Chỉ khi mà suy nghĩ của mình khác biệt thì mình mới có thể bắt đầu thay đổi tư duy, rồi thay đổi hành động thực tiễn.
- Là con người luôn khao khát được “làm mới bản thân”, vậy chị đã có kế hoạch nào cho năm 2023 - một năm đầy hứa hẹn tới đây?
Đến giai đoạn này rồi, Women Meet Tech cũng đã để lại những dấu ấn nhất định, tôi có những suy nghĩ, những định hướng mới cho cuộc đời của mình. Những năm trước đó, tôi đã không ngừng đầu tư cho cộng đồng thì đây là thời điểm ở nhìn nhận và đầu tư cho chính bản thân mình.
Năm 2023 này, tôi sẽ tập trung hoàn thiện những dự án cá nhân mà bản thân đang ấp ủ. Đương nhiên, tôi cũng vẫn tiếp tục hành trình truyền cảm hứng cho càng nhiều người càng tốt. Nhưng để lan tỏa tốt hơn, bản thân mình cũng cần được “upgrade” (nâng cấp) hơn nữa. Do đó, những khóa học chuyên sâu hơn, với cường độ cao hơn là điều không thể thiếu trong kế hoạch cho năm mới.
Tôi cũng muốn tạo cơ hội bản thân được trải nghiệm những điều mới mẻ, để làm những gì mình muốn làm, chứ không do dự hay đắn đo nữa. Trước khi biết mình có làm được hay không thì hãy cứ nỗ lực làm đã. (cười)
Sự thay đổi đó cũng bắt nguồn từ những gì diễn ra trong đợt dịch bệnh vừa qua. Rất nhiều điều mà mình không thể lường trước được đã xảy ra, để lại cho chúng ta quá nhiều hối tiếc. Vậy thì bây giờ, khi còn có cơ hội, hãy làm hết tất cả những gì mình muốn làm. Đó không nhất thiết phải là điều gì quá ghê gớm, mà cũng có thể chỉ là một sở thích, một mong muốn “từng là không tưởng” mà thôi.
Mặc dù chưa biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao, nhưng chỉ có sau khi trải nghiệm, tôi mới nhận ra cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn gấp bội.
- Trước những trải nghiệm mới, con người mới, có phải những dự án cá nhân sắp tới của chị cũng sẽ rất “mới”?
Có thể nói là nửa cũ - nửa mới. Cũ là do tôi vẫn dựa trên một số nền tảng mà mình từng thử nghiệm trước đó. Mới là do những dự án hiện tại của tôi đều có xu hướng thực tế hơn.
Một trong số đó là hệ thống mà tôi xây dựng để hỗ trợ cho các bác sĩ Úc trong quá trình chẩn đoán ung thư da . Hệ thống này sẽ giúp các bác sĩ có thể kết nối với bệnh nhân một cách hiệu quả, làm tăng năng suất chẩn đoán, cũng giúp ích phần nào cho một số bệnh nhân không biết cách diễn đạt.
Người sử dụng không chỉ được hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm bớt những lo ngại về dịch bệnh truyền nhiễm, mà còn nhận thức nhiều hơn về ung thư ung thư da. Họ có thể phát hiện những dấu hiệu bất ổn từ sớm và tiến hành thăm khám, gặp bác sĩ để tư vấn kỹ càng. Đến hiện tại, hệ thống đã có gần 3000 lượt sử dụng. Đó cũng là một thành công không nhỏ đối với mình.
Dự án cũng đến với tôi trong một cơ duyên bất chợt vào thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, tôi bị kẹt lại ở Úc. Cũng may mắn khi làm trong lĩnh vực công nghệ, tôi có thể làm việc từ xa mà không bị phụ thuộc vào vấn đề địa lý.
Trong bối cảnh như vậy, tôi đã xây dựng một hệ thống liên quan đến lĩnh vực y tế, phục vụ cho quá trình giãn cách xã hội của mọi người, giảm thời gian các bác sĩ phải trực tiếp nói chuyện với người bệnh ở cùng một căn phòng, trong không gian gần. Hệ thống hỗ trợ chẩn đoán ung thư sau đó là một phiên bản được nâng cấp hơn theo cách chậm mà chắc, từng bước phát triển thành.
Sau này, tôi cũng có kế hoạch sẽ làm thêm một số dự án liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật và các liệu pháp chữa lành. Tôi rất thích âm nhạc và nghệ thuật, nhưng chưa tận dụng hết khả năng này của mình cho cộng đồng và xã hội. May mắn là, trong quá trình sinh em bé tại Úc, không có người thân và bạn bè, tôi đã đích thân cảm nhận được sức mạnh từ âm nhạc kỳ diệu như thế nào. Kết hợp với các liệu pháp hít thở, tôi đã có rất nhiều thay đổi tích cực ngay từ trong tâm trí, vượt qua quãng thời gian đó dễ dàng hơn.
Giờ đây, tôi muốn tận dụng nền tảng công nghệ của mình để lan tỏa những điều đó đến với nhiều người hơn nữa, giúp họ được tiếp cận những phương thức chữa lành bản thân như vậy.
Đặc biệt, theo quan điểm của cá nhân tôi, những điều liên quan tới chăm sóc sức khỏe cá nhân kết hợp âm nhạc, nghệ thuật như vậy sẽ ngày càng được chú trọng và đón nhận nhiều hơn trong các giai đoạn sắp tới. Tôi cũng đang tìm kiếm thêm cộng sự và những người cùng chí hướng để hoàn thiện dự án này.
- Hiện nay, ngành công nghệ đang rất hấp dẫn nên nhiều người ấp ủ ý định “rẽ ngang” giống như chị. Chị có lời khuyên nào cho họ hay không?
Nếu cách đây hai năm, tôi sẽ khuyên mọi người hãy làm đi, đừng ngần ngại gì cả. Chỉ cần không ngại bỏ ra thời gian, tập trung hết sức để xây dựng và nâng cao những kỹ năng của mình thì bạn hoàn toàn có thể làm được.
Nhưng cá nhân tôi cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm mà chúng ta phải phát triển một cách chiến lược. Mọi người đều thấy đấy, hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ đều trải qua nhiều đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt. Do đó, quyết định rẽ ngang ở thời điểm này có thể sẽ tiềm ẩn rất nhiều khó khăn và vất vả.
Mặt khác, vẫn có rất nhiều cơ hội tiềm năng trong bối cảnh tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều đang đẩy mạnh kĩ thuật hóa - số hóa, với nhân viên công nghệ là một chìa khóa then chốt. Các bạn làm về công nghệ vẫn có thể chuyển sang những lĩnh vực và môi trường mới mẻ hơn.
Do đó tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, bạn vẫn có thể rẽ ngang và chuyển hướng nhưng cần có một chiến lược lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tài chính lẫn tinh thần.
Hãy cố gắng duy trì sự ổn định của cuộc sống, đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao những kỹ năng cần thiết. Bạn cũng nên thử nghiệm một cách từ từ, bắt đầu làm quen với những dự án nhỏ, để biết mình có phù hợp với ngành nghề này hay không trước khi đưa ra những quyết định chính thức.
Còn nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà đã vội vàng chạy theo những lời mời gọi hấp dẫn về thu nhập, cơ hội hay sự thăng tiến, thì khi đối mặt với thực tế khó khăn, mọi người rất dễ bị shock.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Ảnh: NVCC