Kể từ khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ đẩy mạnh cuộc chiến thương mại toàn cầu, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi một thông điệp nhất quán. Đó là việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát trở thành ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh áp lực giá gia tăng.
Tuy nhiên, Fed vừa phải đón nhận một cú sốc lớn trong ngày thứ Sáu.
Một khảo sát mới được công bố bởi Đại học Michigan cho thấy niềm tin tiêu dùng tiếp tục lao dốc do lo ngại xoay quanh thuế quan của ông Trump. Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát cả trong ngắn hạn và dài hạn tăng vọt.
Trong vòng 12 tháng tới, người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Con số này cũng tăng đáng kể so với mức 5% hồi tháng 3. Trong vòng 5 năm, họ cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở trên mức 4%. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát của Fed chỉ là 2%.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận khảo sát này một cách thận trọng. Nguyên nhân là dữ liệu khảo sát thường bị ảnh hưởng bởi định kiến chính trị. Kể từ khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, các cử tri Dân chủ trở nên bi quan hơn rõ rệt không chỉ với lạm phát mà cả tăng trưởng và thị trường lao động. Ngược lại, cử tri Cộng hòa từng bi quan dưới thời ông Biden giờ lại lạc quan hơn.
Tuy nhiên, theo Giám đốc bộ phận khảo sát tiêu dùng Joanne W. Hsu của Đại học Michigan, sự phân cực này dường như đang thu hẹp lại. Bà cho biết niềm tin tiêu dùng trong tháng 4 sụt giảm "rộng khắp và đồng nhất trên mọi nhóm tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, vùng miền và xu hướng chính trị". Nhóm cử tri độc lập cũng bắt đầu thay đổi quan điểm, đóng góp lớn vào mức tăng kỳ vọng lạm phát dài hạn.
Một thông tin giúp xoa dịu lo lắng là các thước đo kỳ vọng lạm phát dài hạn dựa trên thị trường, đặc biệt là từ trái phiếu chính phủ Mỹ, vẫn ổn định. Chính sự khác biệt rõ rệt này đã khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây gọi Khảo sát của Đại học Michigan là "trường hợp ngoại lệ".
Tuy nhiên, khi kỳ vọng giá tiêu dùng tăng cao hơn cùng với thương chiến leo thang, nhà kinh tế trưởng Torsten Slok tại công ty quản lý đầu tư Apollo Global Management cho rằng Fed không thể phớt lờ những thay đổi đang diễn ra trong kỳ vọng lạm phát.
“Fed ngày càng khó phủ nhận thực tế, bởi bằng chứng đang ngày một rõ ràng hơn", ông nhận định.
Không ngạc nhiên khi giới chức Fed có giọng điệu cứng rắn hơn trong vấn đề lạm phát.
Chủ tịch Fed New York John C. Williams cũng là thành viên bỏ phiếu thường trực của Ủy ban thị trường mở (FOMC) nhấn mạnh trong ngày 11/4 rằng việc giữ cho kỳ vọng lạm phát ổn định vào lúc này là "vô cùng quan trọng". Ông dự báo lạm phát trong năm nay có thể tăng lên mức 4%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể chạm 5% và tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới 1%.
Chủ tịch Fed St. Louis Alberto G. Musalem cũng là thành viên có quyền biểu quyết trong FOMC năm nay đã nêu ra những lo ngại tương tự trong một sự kiện khác vào ngày 11/4. Ông cảnh báo: “Tôi sẽ rất cẩn trọng nếu cho rằng tác động của thuế quan cao lên lạm phát chỉ là tạm thời hay hạn chế”.
Ông Musalem cho rằng Fed nên “chủ động ứng phó” với khả năng cú sốc thuế quan ban đầu có thể kéo dài và dai dẳng hơn.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng cảnh báo rằng Fed cần “rất thận trọng” với bất kỳ động thái nào có thể khiến thị trường nghi ngờ cam kết đưa lạm phát quay về mục tiêu ban đầu.
Trước câu hỏi về tình trạng bất ổn gần đây trên thị trường tài chính, ông Kashkari bác bỏ khả năng Fed cần can thiệp khẩn cấp. Ông thừa nhận có dấu hiệu căng thẳng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cũng khẳng định Fed “hoàn toàn sẵn sàng” hành động nếu cần thiết để ổn định thị trường tài chính.
Những tuyên bố cứng rắn này cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất, trừ khi thị trường lao động xuất hiện các dấu hiệu suy yếu rõ ràng hoặc nền kinh tế cho thấy sự suy thoái đáng kể.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee xác nhận rằng ngưỡng để Fed xem xét cắt giảm lãi suất “đã cao hơn một chút”.
Theo NYT