Theo ông Bắc, cùng kì năm ngoái, vào năm 2023 gần như tất cả các công trình dự án của Novaland đều im lìm, đến hiện tại hầu hết đã được tái khởi động xây dựng trở lại. Mặc dù công tác xây dựng chưa ồ ạt nhưng tình hình khôi phục là khá tích cực.
Cụ thể, hiện có 14/16 dự án thuộc các cụm dự án đang triển khai của Tập đoàn được tiếp tục xây dựng với tổng hạn mức xây dựng là 12.100 tỷ đồng và đang giải ngân theo giai đoạn. Bên cạnh đó, với tinh thần “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”, nhiều nhà thầu lớn chấp thuận thi công xây dựng trước và nhận thanh toán sau khi sản phẩm bán được để đồng hành cùng Novaland trong giai đoạn khó khăn này.
“Điều này giúp cho các dự án của Tập đoàn sớm được hoàn thiện để bàn giao sản phẩm cho khách hàng và có dòng tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đồng thời góp phần thay đổi diện mạo địa phương và tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Tổng giá trị sản phẩm nếu hoàn thiện và bàn giao thu được cũng như mở bán mới ước tính gần 480.000 tỷ đồng”, ông Bắc cho biết.
Theo Giám đốc tài chính Novaland, trong suốt 18 tháng tái cấu trúc toàn diện cùng mục tiêu hoàn thiện xây dựng và bàn giao 2.600 sản phẩm trong 6 tháng cuối năm 2024 là nỗ lực rất lớn của Novaland. Điều này nhằm thực hiện cam kết của doanh nghiệp với khách hàng, khôi phục niềm tin nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn của thị trường và thách thức về thanh khoản, tiến độ hoàn thiện pháp lý, song nhờ sự đồng hành của các bên liên quan, Tập đoàn đã hoàn thành cơ cấu phần lớn các khoản nợ, có những chuyển biến tích cực về tình hình tài chính, pháp lý dự án, tiến độ xây dựng và bàn giao.
“Chúng tôi vẫn miệt mài bơi lên bờ. Dù để vào bờ cần thêm một đoạn đường nữa. Đoạn cuối bao giờ cũng sẽ vất vả hơn, áp lực và thách thức nhiều hơn. Song, doanh nghiệp xác định tái cấu trúc toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm trong hành trình nỗ lực của mình vì cổ đông, khách hàng”, Giám đốc Tài chính Novaland ví von khi nói về việc tái cấu trúc của doanh nghiệp.
Về dự án, đại diện Novaland cũng cung cấp những thông tin tích cực về tiến độ pháp lý của các dự án tại Tp.HCM và tỉnh lân cận. Trong đó, một số dự án đã tiến hành trao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, bắt đầu bàn giao nhà cho cư dân từ nay đến cuối năm. Số còn lại vẫn đang tiến hành các bước pháp lý.
Không chỉ Novaland, thời gian qua, tại thị trường địa ốc phía Nam nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để “vượt khó”. Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, mất mát lớn nhất hiện nay là các khách hàng, các nhà đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, doanh nghiệp đang làm mọi cách để khách hàng an tâm quay trở lại xây nhà, sửa nhà, mua nhà.
“Thậm chí, hiện nay doanh nghiệp sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường. Đối với những trái chủ, doanh nghiệp đã có những buổi đối thoại trực tiếp và nhận được phản hồi thông cảm, an tâm và tiếp tục đồng hành của các trái chủ bởi chúng tôi có tài sản để đảm bảo”, ông Dũng nhấn mạnh.
Để lấy lại niềm tin từ khách hàng, đại diện Hưng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc hoạt động trong thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp có thể sớm phục hồi hoạt động kinh doanh, cần sự chỉ đạo tháo gỡ triệt để của Chính phủ, cơ quan ban ngành cũng như sự tiếp tục hỗ trợ của các đối tác tài chính, khách hàng trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, giai đoạn vừa qua, thị trường chứng kiến một số doanh nghiệp gần như tê liệt, không hoạt động, các dự án dừng lại, không triển khai, "đắp chiếu" nằm chờ vì các thể chế về vốn. Trong khi đó, các nhà đầu tư thiếu niềm tin, hoang mang.
Đến giai đoạn này, sau những cố gắng rất mạnh mẽ mà Chính phủ ban hành, ba bộ Luật liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sớm. "Cả thị trường gồm doanh nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư… đang lấy lại niềm tin. Guồng quay thị trường đang dần trở lại, kì vọng cho chu kì mới tốt hơn", ông Đính nói.
Như vậy, việc doanh nghiệp vững tâm "vượt bão" cùng chính sách hỗ trợ của từ Chính phủ đang tạo đà để bất động sản hồi phuc. Dẫu việc lấy lại "phong độ" như trước là chưa thể, thế nhưng những nỗ lực của doanh nghiệp là đáng ghi nhận. Sự đồng hành của các bên trong bối cảnh khó khăn càng tạo thêm niềm tin về bước đi vững bền, hướng đến một thị trường minh bạch hơn giai đoạn trước.