Phát biểu tại Phiên thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, diễn ra chiều ngày 15/2, ông Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Đồng Nai cho rằng để đạt tăng trưởng cao năm nay cần ưu tiên các giải pháp tức thì, tác động ngay tới nền kinh tế.
Theo ông Trịnh Xuân An, muốn tăng ở mức cao cần nguồn lực, tức phải có đầu tư và tiền. Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này.
"Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16%, sẽ khó phát triển. Tín dụng cần tăng 18-19% mới có nguồn lực cho đầu tư", ĐB Trịnh Xuân An phát biểu.
Cùng với đó, đại biểu Đồng Nai cho rằng cần thay đổi quy trình thủ tục để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chính phủ đang có thay đổi trong quản trị là giao chỉ tiêu cho các địa phương. Tuy nhiên, nếu giải pháp tăng trưởng chỉ làm đơn thuần mà không đi cùng các gói hỗ trợ cụ thể thì khó triển khai, đại biểu chia sẻ quan điểm tại nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM cũng cho rằng, năm 2025, tín dụng cần tăng trưởng ít nhất 17-18% để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy vậy, việc tăng cung tiền ra nền kinh tế có thể ảnh hưởng, làm tăng lạm phát, do đó các chính sách điều hành phải nhịp nhàng.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu rõ, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để thúc đẩy nền kinh tế hấp thụ vốn nhanh trong 6 tháng đầu năm. Trong đó cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân, đánh giá sát thực hơn những khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động các biện pháp chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.
Đồng thời, cần có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ngay trong các tháng đầu năm của năm 2025.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ về tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn năm trước, tăng tín dụng trong điều kiện lạm phát đạt mục tiêu dưới 5%. Sử dụng dụng công cụ tài chính, tín dụng để kích cầu đầu tư tiêu dùng, có chính sách thúc đẩy thị trường du lịch, phục hồi nhanh thị trường bất động sản để tăng tổng cầu nền kinh tế.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như: cải thiện năng suất lao động, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với biến đổi khí hậu, già hóa dân số, các động lực phát triển dài hạn, giải pháp tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân…
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Để tốc độ tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Nghị quyết, thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn, nâng cao hiệu quả, tập trung tổ chức thi hành pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, đánh giá đúng tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của Nghị quyết, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, thông qua.