Ngày 28/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Điều 49 dự thảo nêu quy định về công bố quy hoạch.
Theo đó, chậm nhất là 15 ngày từ khi quy hoạch đô thị và nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ nội dung phải được công bố công khai, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc công bố quy hoạch được thực hiện bằng cách đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử, cổng thông tin quy hoạch quốc gia; phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, chính quyền, cơ quan lập quy hoạch có thể trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức hội nghị, hội thảo; phát hành ấn phẩm để công khai nội dung về quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết hiện nay, một số địa phương chấp hành nghiêm túc và đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử các quyết định phê duyệt quy hoạch, bản đồ, thuyết minh đi kèm, kể cả các lần điều chỉnh.
Tuy nhiên, nhiều nơi có tình trạng đăng tải chưa đầy đủ như chỉ đăng tải thông tin quyết định mà không có bản đồ hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh, không có thông tin về các lần điều chỉnh, gây khó khăn cho tổ chức và người dân muốn tra cứu.
Bên cạnh đó, bà Xuân cũng chỉ ra việc đăng tải quy hoạch chủ yếu với dạng PDF hoặc hình ảnh.
"Có trường hợp các bản chụp dung lượng thấp, độ phân giải kém nên người truy cập không thể xem được các thông tin cần thiết trong quy hoạch", bà Xuân nói.
Đại biểu tỉnh Bình Dương kiến nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung, tiêu chí công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử, cần thiết đăng tải đầy đủ các quyết định, bản đồ thuyết minh của các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều chỉnh cục bộ. Bản chụp phải rõ ràng, độ phân giải phù hợp, thể hiện rõ nét các thông tin trong bản đồ quy hoạch.
Bà cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. "Các đơn vị có thể phát triển ứng dụng, công cụ tìm kiếm nhanh quy hoạch, so sánh giữa các quy hoạch, các dự án, các thửa đất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", nữ đại biểu gợi ý.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái) nói dự luật có quy định công bố quy hoạch được thực hiện theo hình thức trưng bày mô hình nhưng không bắt buộc. Theo bà nội dung này là không cần thiết, cơ quan soạn thảo chỉ nên tập trung vào các thông tin chính của quy hoạch và yêu cầu đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử.
Cùng với đó, bà đề nghị bổ sung cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin về quy hoạch để phù hợp với nhu cầu của tổ chức, cá nhân và xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Theo bà, nhiều địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang hoạt động thực tế rất hiệu quả.
"Việc tiếp cận cũng rất đơn giản, thuận lợi thông qua bản đồ quy hoạch số và được người dân cũng như doanh nghiệp hết sức đồng tình và ủng hộ", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) nói thông tin quy hoạch sau khi được phê duyệt là nội dung được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua, các địa phương thực hiện khác nhau và còn nhiều bất cập như đăng tải không đầy đủ, không chi tiết, có bản đồ nhưng không có thuyết minh. Việc này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Ông đề nghị xác định cụ thể loại quy hoạch được phép công bố rộng rãi, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Cùng với đó, dự luật cần có yêu cầu cung cấp đầy đủ trên cổng điện tử cơ quan tổ chức lập quy hoạch để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Chia sẻ với MarketTimes, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Meey Land, doanh nghiệp tiên phong trong công tác chuyển đổi số bất động sản được biết đến với ứng dụng Meey Map cho phép người dùng tra cứu đồng thời quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất thì việc công khai bản đồ quy hoạch là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo minh bạch và giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn là điều đúng đắn nên làm.
Tuy nhiên, theo ông Chung, trong bài toán này, câu hỏi đặt ra là các cơ quan chức năng có quyết tâm làm không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm, kế hoạch cụ thể ra sao, cũng như làm thế nào để chi phí rẻ nhất mà có lợi cho dân nhất?
Về vấn đề này, ông Chung nêu ra ví dụ về việc chỉ cần có chủ trương, nhà nước không cần phải tạo ra một nền tảng tra cứu quy hoạch tốn kém bởi doanh nghiệp đã có hết rồi.
“Nhà nước chỉ cần hợp tác với một doanh nghiệp có nguồn lực tốt, có uy tín để giảm thiểu việc nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ cho việc tổ chức dữ liệu, đầu tư xây dựng nền tảng và vận hành”, ông Chung nêu quan điểm.
Lý giải thêm về sự sẵn sàng của yếu tố công nghệ trong việc công khai quy hoạch, ông Chung cho biết dưới góc độ doanh nghiệp, Meey Land sẵn sàng trở thành “cánh tay nối dài” của các cơ quan chức năng trong việc công khai quy hoạch đến từng người dân một cách nhanh chóng, chính xác và trực quan nhất.
“Chẳng hạn, trên nền tảng meeymap do Meey Land phát triển, chỉ cần có dữ liệu đầy đủ được cung cấp bởi các cơ quan địa phương và một tên miền là xong, nhà nước không phải bỏ bất cứ một đồng nào cả, mặt khác còn có thể có nguồn thu cho ngân sách thông qua việc thương mại hóa này. Vấn đề duy nhất cần quan tâm khi đó là liệu các dữ liệu có được cung cấp đầy đủ, chi tiết và cập nhật nhất hay không”, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Meey Land cho biết.