Đại biểu Quốc hội: Giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực

Lê Sáng | 09:19 31/10/2023

Hôm nay (31/10), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc càn quy định giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực.

Đại biểu Quốc hội: Giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực
Hoạt động công chứng, chứng thực được cho là có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch bất động sản. Ảnh minh họa

Theo Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) - Dự thảo, tại khoản 3 Điều 45 quy định “việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên tự thoả thuận”.

Theo các đại biểu Quốc hội, việc quy định như dự thảo có phần chưa rõ ràng, dễ phát sinh lỗ hổng pháp lý cũng như tạo ra vướng mắc trong thực tiễn nếu được ban hành.

Tránh trường hợp Sàn giao dịch là sân sâu của doanh nghiệp bất động sản

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khoản 3 Điều 45 có quy định “việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên tự thoả thuận” là chưa rõ ràng.

“Nếu bên bán muốn có quyền lợi riêng cho mình thì khi ký hợp đồng, những điều khoản thường bất lợi đối với bên mua nhiều hơn, từ đó dễ phát sinh tranh chấp”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

141120220225-pham-van-hoa-dong-thap.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 61 Dự thảo quy định người đại diện pháp luật của sàn giao dịch bất động sản ký xác nhận giao dịch thành công vào hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, hợp đồng này làm căn cứ để làm các thủ tục tiếp theo theo quy định của các pháp luật có liên quan.

“Quy định như vậy đã đánh đồng với giá trị pháp lý công chứng, có sự chồng chéo với Luật Công chứng. Trong khi, sàn giao dịch bất động sản thiên về các dịch vụ mua bán và mang tính chất môi giới, làm cầu nối của bên mua và bên bán, thậm chí có thể là sân sau của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng không công chứng, chứng thực đối với các giao dịch bất động sản mà thực hiện thông qua vai trò của sàn giao dịch có thể dẫn đến sự không thống nhất, chồng chéo và mâu thuẫn đối với Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Vai trò của công chứng với giao dịch bất động sản

Cũng theo đại biểu Dương Khắc Mai, hoạt động công chứng có vai trò rất quan trọng trong các giao dịch bất động sản. Với vai trò là bên thứ ba hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc về mặt lợi ích với các bên giao dịch, hoạt động công chứng góp phần làm cho các giao dịch bất động sản trở nên minh bạch, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng giao dịch, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan trong giao dịch.

070420231117-dai-bieu-duong-khac-mai-doan-dbqh-tinh-dak-nong.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Bên cạnh đó, công chứng còn có chức năng tạo lập và cung cấp các chứng cứ cho hoạt động tài phán. Chức năng này xuất phát từ việc những thỏa thuận tình tiết sự kiện trong văn bản công chứng đã được công chứng viên xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp theo một chủ thể, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.

“Chính vì vậy, văn bản công chứng không thể tùy tiện bị hủy bỏ mà phải tuân theo quy định của pháp luật cụ thể. Qua đó thể hiện bản chất hoạt động của công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, một biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý chứ không đơn giản chỉ là một thủ tục hành chính”, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.

Đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ, trong thực tiễn các hợp đồng kinh doanh bất động sản thường có giá trị rất lớn, liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, dễ xảy ra tranh chấp và từ đó cần có một bên xác thực để đảm bảo an toàn tính pháp lý, tránh rủi ro phát sinh, phòng ngừa tranh chấp.

Luật Công chứng quy định rõ, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch dân sự khác bằng văn bản.

Đồng thời, giá trị pháp lý của hợp đồng giao dịch được công chứng có giá trị như một chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Từ đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đại biểu đề Dương Khắc Mai nghị trong hợp đồng kinh doanh bất động sản bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội: Giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO