Tại phiên họp của Quốc hội chiều 23/5, góp ý xây dựng dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục đề xuất quy định khung giá sách giáo khoa gồm giá tối thiểu và tối đa như với các mặt hàng được Nhà nước định giá.
Được biết, trước đó, tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã từng đề xuất phương án nói trên và đã nhận được sự tán thành "đây là ý kiến rất hay" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội tại kỳ họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá sách giáo khoa tối đa, nhưng không đề cập giá tối thiểu.
"Nếu luật không quy định giá tối thiểu thì những lo ngại của Bộ trưởng sẽ thành hiện thực", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận không quy định giá sàn sách giáo khoa, chỉ quy định giá trần, "để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh".
Hiện nay, thực tế cho thấy Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đang thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường học mà do UBND cấp tỉnh chọn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề "quy định nào dễ bị lợi dụng để thực hiện lợi ích nhóm hơn".
Từ những lập luận nêu trên, nữ đại biểu đề nghị, nếu Quốc hội khóa 15 thấy chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa 13 nêu ra có nhiều bất cập thì nên sửa hoặc chấm dứt thực hiện. Nếu tiếp tục, Quốc hội nên bổ sung các quy định trong Luật Giá để đảm bảo thống nhất về chủ trương.
"Không nên để cơ quan lập pháp ban hành quy định ngược chiều nhau, một đằng thì khuyến khích xã hội hóa, một đằng thì tạo sơ hở cạnh tranh không lành mạnh gây hạn chế, thậm chí xóa bỏ xã hội hóa sách giáo khoa", đại biểu Kim Thúy nêu quan điểm và đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ những băn khoăn nêu trên.
Được biết, theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá sách đã kê khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau.
Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế, cả nước bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Các năm sau, lần lượt lớp 2, 3, 6, 7, 10 học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giá sách giáo khoa cao gấp 2-3 lần sách cũ khiến chi phí mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là những gia đình khó khăn. Trong khi đó, phía nhà xuất bản khẳng định đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán phù hợp với đại đa số gia đình có con em đi học.
Cụ thể, bộ sách lớp 3 có giá 177.000 đến 183.000 đồng trong khi bộ cũ giá 58.000. Tương tự, sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng.
Sách lớp 10 giá 246.000-301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 đến 140.000 đồng. Các mức trên chưa bao gồm sách tiếng Anh.