Cuộc đua thu hút nhân tài khốc liệt: Trung Quốc vấp phải 3 đối thủ sừng sỏ ngay tại Châu Á

Tất Đạt | 08:02 13/11/2022

Để phát triển, các quốc gia cần phải đầu tư mạnh vào nhân lực có trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc đua thu hút nhân tài khốc liệt: Trung Quốc vấp phải 3 đối thủ sừng sỏ ngay tại Châu Á

Tình hình nhân tài tại Trung Quốc

SCMP dẫn một báo cáo mới cho hay, Trung Quốc đang đứng sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore về khả năng cạnh tranh toàn cầu về mặt nhân tài. Bên cạnh đó, nước này còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế lớn khác trong việc giữ chân các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI).

Cụ thể, báo cáo "Dòng chảy Nhân tài Thế giới: Xu hướng và Triển vọng" do Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa cho biết Trung Quốc đứng thứ 8 trên thế giới về "khả năng cạnh tranh thu hút nhân tài", trong khi Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng và Hàn Quốc ở vị trí thứ 2.

Chỉ số này đã tính đến một loạt các yếu tố, bao gồm quy mô nguồn nhân tài của mỗi quốc gia, số lượng nhà nghiên cứu khoa học và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), bên cạnh  những yếu tố khác.

Báo cáo nêu rõ những điểm yếu lớn về hiệu quả và chất lượng của nhân tài Trung Quốc - một đòn giáng mạnh vào mục tiêu của Bắc Kinh là biến đất nước thành trung tâm của các chuyên gia hàng đầu và đạt được sự độc lập về công nghệ.

Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 3 trong số 38 quốc gia kém nhất về chất lượng nhân tài, một chỉ số đo lường trình độ học vấn của lực lượng lao động và tỷ lệ các nhà nghiên cứu khoa học. Ấn Độ dẫn trước một bậc trong khi Singapore và Hàn Quốc xếp thứ nhất và thứ hai trên toàn cầu.

Xét về hiệu quả nhân tài, dựa trên năng suất lao động, số lượng bằng sáng chế trên đầu người và tỷ trọng sản xuất công nghệ, Trung Quốc cũng không khá hơn khi đứng ở vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng. Singapore tiếp tục đứng ở vị trí số 1 trong bảng này.

Báo cáo cho biết: "Điều này cho thấy vẫn còn những rào cản ở Trung Quốc cản trở nhân tài tận dụng hết tiềm năng của mình."

Trung Quốc quyết tâm nuôi dưỡng nhân tài công nghệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ, điều này đã hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với lĩnh vực công nghệ cao.

Tại đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra kế hoạch biến quốc gia này thành trung tâm tài năng toàn cầu.

Các quốc gia thu hút nhân tài thế nào?

Tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc, đặc biệt khi nền kinh tế kỹ thuật số và AI đang trở thành động cơ mới để tăng trưởng.

Nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với sự thiếu hụt hơn 5 triệu công nhân lành nghề và các nhà nghiên cứu trong ngành AI. Con số này sẽ vượt quá 10 triệu vào năm 2025. Tỷ lệ cung cầu nhân tài của đất nước trong lĩnh vực này là 1:10, báo cáo cho biết thêm.

Tại một hội nghị nhân tài vào tháng 12 năm ngoái, Wang Hong - chủ tịch Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu Trung Quốc - cho biết nhân tài AI cấp cao nhất của Trung Quốc chỉ bằng 20% quy mô của Mỹ.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-25 hồi năm ngoái, Trung Quốc cam kết sẽ đào tạo thêm nhiều nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu để dẫn đầu sự đổi mới.

Đầu tư cho R&D đã tăng 14,2% lên 2,78 nghìn tỷ nhân dân tệ (381,7 tỷ USD) vào năm ngoái và báo cáo đại hội đảng lần thứ 20 của ông Tập cho biết nước này hướng tới mục tiêu có số lượng nhân lực R&D lớn nhất trên thế giới.

Nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt là từ đối thủ địa chính trị là Mỹ.

Washington đã đưa ra một loạt chính sách trong năm nay để thu hút nhân tài toàn cầu, bổ sung 22 lĩnh vực nghiên cứu mới vào chương trình Đào tạo Thực hành Tùy chọn STEM (OPT) và nới lỏng việc phê duyệt thị thực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Hơn 2/3 các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực STEM ở Mỹ đã nhận bằng đại học ở các quốc gia khác, theo The Global AI Talent Tracker của MacroPolo - tổ chức nghiên cứu của Viện Paulson.

Trung Quốc là nước đóng góp chính cho nhân tài nước ngoài trong lĩnh vực STEM tại Mỹ, với 29% trong số các nhà nghiên cứu này đã nhận bằng đại học ở Trung Quốc nhưng hơn một nửa trong số họ tiếp tục học tập, làm việc và sinh sống ở Mỹ.

Nhật Bản đã đặt mục tiêu có thêm 20.000 lao động tay nghề cao vào cuối năm 2022, đồng thời rút ngắn số năm cần thiết để có thường trú nhân.

Vào tháng 8, Singapore đã thông qua "Overseas Networks & Expertise Pass", một loại thị thực có thời hạn 5 năm dành cho các chuyên gia nước ngoài, và rút ngắn thời gian xét duyệt từ khoảng ba tuần xuống còn 10 ngày.


(0) Bình luận
Cuộc đua thu hút nhân tài khốc liệt: Trung Quốc vấp phải 3 đối thủ sừng sỏ ngay tại Châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO