Nội dung chính:
- Trung Quốc hiện chiếm khoảng 60% công suất tinh chế lithium trên toàn thế giới, giúp Bắc Kinh kiểm soát thị trường trong nhiều năm tới.
- Không chỉ tinh chế lithium, Trung Quốc còn nắm giữ thị phần lớn trong lĩnh vực khai thác mỏ.
Cuộc đua giữa các cường quốc xe điện trong chuỗi giá trị không đơn giản là chỉ khai thác quặng và sản xuất pin. Để sản xuất pin, quặng lithium cần phải được tinh chế thành lithium carbonate (Li2CO3) hoặc lithium hydroxide (LiOH), và quá trình này hiện tại vẫn đang rất phức tạp và tốn kém. Việc xây dựng một nhà máy tinh luyện lithium có thể tốn hàng năm, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu chính sách ưu tiên việc sản xuất lithium từ năm 2015.
Các công ty Trung Quốc hiện chiếm khoảng 60% công suất tinh chế lithium trên toàn thế giới. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát thị trường trong nhiều năm tới. Nếu phương Tây không có sự đầu tư kịp thời vào công đoạn này của chuỗi cung ứng pin xe điện, thì quặng lithium được khai thác ở Mỹ và châu Âu có thể phải vận chuyển đến Trung Quốc để tinh luyện rồi mới đưa trở lại nhà máy để sản xuất pin.
Hồ muối Chaerhan ở Golmud, thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, nơi nước muối được xử lý để chiết xuất lithium và các khoáng chất khác. (Ảnh: The New York Times)
Nhìn từ bên ngoài, Australia đang đi đúng hướng với nhà máy tinh chế lithium được xây dựng trên cơ sở nhà máy lọc dầu cũ ở Kwinana. Hồi tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên nhà máy này biến thành công spodumene - một loại quặng lithium - thành lithium hydroxide sử dụng trong pin. Nhưng ngay cả điều đó cũng không chắc giúp Australia tự chủ trong việc tinh chế và bán lithium của riêng minh.
Nhà máy này là một liên doanh, và cổ đông chính của nó (chiếm 51% cổ phần) là Tianqi Lithium - một công ty khai thác mỏ Trung Quốc có trụ sở ở Tứ Xuyên, và kiểm soát gần một nửa sản lượng lithium trên toàn thế giới.
Biểu đồ so sánh nguồn cung lithium dạng thô vs nguồn cung lithium đã qua xử lý.
Thống trị mảng khai thác mỏ
Trong chuỗi cung ứng pin xe điện, Trung Quốc xuất hiện ở mọi nơi. Tianqi Lithium cũng sở hữu cổ phần của SQM - công ty khai thác mỏ lớn nhất Chile, cũng như một phần của Greenbushes - mỏ lithium có trữ lượng lớn nhất ở Australia. Cả Tianqi Lithium và đối thủ quốc nội - Ganfeng Lithium có trụ sở ở Giang Tây - đều nắm giữ nhiều hợp đồng khai thác ở khu vực “Tam giác Lithium”. Đây là một vùng đất rộng lớn trên dãy Andes, thuộc lãnh thổ cả ba nước Chile, Bolivia và Argentina.
Không chỉ với lithium, Trung Quốc cũng đang kiểm soát khoảng 70% hoạt động khai thác mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi gần như chứa toàn bộ trữ lượng cobalt trên thế giới. Cobalt cũng là một yếu tố quan trọng cấu thành nên những bộ pin xe điện.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sở hữu khoảng 10% trữ lượng lithium trên toàn cầu, và tính đến thời điểm này, đây là nước duy nhất có thể biến quặng lithium thành pin thành phẩm mà không cần phải dựa vào các kim loại hoặc linh kiện nhập khẩu.
Bể ngâm nước muối và khu vực chế biến của một mỏ lithium thuộc sở hữu công ty Soquimich (SQM) trên bãi muối Atacama ở sa mạc Atacama phía bắc Chile. Đại gia lithium Trung Quốc Tianqi sở hữu 25% cổ phần của SQM. (Ảnh: Reuters)
Nhưng cuối cùng thì cuộc chơi vẫn còn nhiều biến số. Nếu giá lithium tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, việc áp dụng các công nghệ mới để khai thác lithium từ các nguồn thay thế như nước biển có thể trở thành khả thi về mặt kinh tế. Thêm nữa, có thể một công ty ở phương Tây sẽ thành công trong việc chế tạo một cấu trúc pin hoàn toàn mới không cần đến lithium.
Mặc dù vậy, trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất pin xe điện, và nếu cung không đủ cầu, các công ty của họ, dù là nhà sản xuất pin hay hãng xe điện, vẫn được hưởng lợi. Các hãng xe như Nio hay MG (thương hiệu xe hơi Anh thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc SAIC), hiện đã bán các mẫu xe điện của họ ở thị trường châu Âu với giá rẻ hơn nhiều các đối thủ sở tại.