Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Tài Chính tại Đại hội Hội Thẩm định giá Việt Nam nhiệm kỳ IV - nhiệm kỳ 2023-2027 diễn ra ngày 9/6 tại Hà Nội.
Tại Đại hội Hội Thẩm định giá Việt Nam nhiệm kỳ IV, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá tán thành “Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ III (2018-2022), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027) mà Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam đã trình ra trước Đại hội.
Cục trưởng Cục Quản lý giá đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam diễn tra trong điều kiện có thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn hơn nhiệm kỳ trước, nhất là những tác động bất lợi của đại dịch Covid -19 đưa lại và sự suy giảm kinh tế toàn cầu tác động kéo theo sự suy giảm kinh tế trong nước…đã làm cho hoạt động thẩm định giá có những hạn chế, tồn tại nhất định như Báo cáo tổng kết đã chỉ ra. Nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tế đòi hỏi, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã hoàn thành tốt các quy định của Điều lệ Hội và các nhiệm vụ Bộ Tài chính giao; tiếp tục khẳng định và nâng cao được vị thế, uy tín của Hội nghề nghiệp trong lĩnh vực giá và thẩm định giá.
“Bộ Tài chính luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về giá và thẩm định giá, những thành công trong công tác đào tạo, truyền thông, nghiên cứu khoa học về giá và thẩm định giá…”, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, trong thời gian tới, nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đặt ra là phải tiếp tục xây dựng, tổ chức quản lý hoạt động thẩm định giá với chất lượng và hiệu quả cao hơn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý giá tán thành “Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027) của Đại hội và đề nghị Hội Thẩm định giá Việt Nam quan tâm hơn nữa đến một số vấn đề trọng tâm gồm:
Thứ nhất, tiếp tục tập hợp trí tuệ của toàn Hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn thi hành triển khai thực hiện Luật Giá, các văn bản hướng dẫn Luật Giá (sửa đổi) và hệ thống các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam.
Thứ hai, liên kết, đoàn kết hội viên, hỗ trợ, khuyến khích, giám sát hoạt động của các hội viên bằng các hình thức thích hợp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thẩm định giá, coi trọng và giữ gìn đạo đức hành nghề uy tín nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế rủi ro… Đây là những yêu cầu phải được các hội viên đặc biệt coi trọng bởi nó là chìa khóa đưa đến niềm tin của xã hội và thành công hay thất bại của ngành nghề.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thường xuyên kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá, kiểm soát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về thẩm định giá; đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về thẩm định giá; tuyên truyền chủ trương, chính sách, cơ chế điều hành giá và thẩm định giá của Nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng Hội phát triển vững mạnh, luôn luôn xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong việc quản lý, theo dõi lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn.