Một ngày Hà Nội ngập nắng vàng, chúng tôi đi tìm chân dung người sáng lập và đứng sau hai thương hiệu nhà hàng vừa nhận được cú đúp giải thưởng Michelin Selected từ Michelin, một cẩm nang ẩm thực danh giá thế giới. Chứng nhận đã được trao cả tuần nhưng sức nóng cùng sự lan tỏa từ giải thưởng này dường như vẫn còn rất nóng và mới như chỉ hôm qua.
Đón tiếp chúng tôi là chị Bích Hạnh, một người phụ nữ thấm đẫm màu của người Hà Nội. “Với tư cách là nhà sáng lập công ty Phúc Hưng Thịnh, nơi có 2 thương hiệu Quán Ăn Ngon và Ngon Garden, chúng tôi thực sự rất hạnh phúc, tự hào khi giờ đây bảng vàng Michelin đã có tên mình. Đó cũng là nguồn động lực to lớn để chúng tôi thêm vững tin trên hành trình tiến về phía trước. Trong hành trình gần 2 thập kỷ gắn bó với nền ẩm thực nước nhà, tôi thường nhắc nhở các nhân viên của mình, đừng khi nào quên trên vai sứ mệnh, mỗi chúng ta hãy là một đại sứ về ẩm thực, mang tình yêu và tinh hoa trong kho tàng ẩm thực tiếp cận tới biết bao triệu thực khách đến, rồi đi và sẽ gặp lại chúng ta mỗi ngày” - chị Hạnh chia sẻ.
Chị Bích Hạnh – Người sáng lập chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon và Ngon Garden
Khi ẩm thực khơi gợi nhiều cảm xúc
Xuất phát từ ý tưởng: “Mang hương vị đặc sắc từ 3 miền làm phong phú thêm tâm hồn Việt trong lòng Hà Nội”. Trong hành trình gần 20 năm xây dựng và phát triển, Quán Ăn Ngon vẫn luôn là địa điểm lý tưởng để người Việt thêm yêu hương vị quê nhà, cho người đi xa mong ngóng trở về, và vừa đủ nhớ thương với người bạn nước ngoài mới ghé. “From street to table – Từ đường phố tới bàn ăn”, một tinh thần rõ nét và xuyên suốt trong cả chuỗi thực đơn dài hơn trăm món đã tạo ra sức hấp dẫn và nét đặc trưng riêng của nhà hàng mà thực khách khó tìm được ở những nơi khác.
Quán Ăn Ngon sở hữu huỗi thực đơn dài hơn trăm món mang tinh thần “From street to table – Từ đường phố tới bàn ăn”
Chị Hạnh kể rằng: “Quãng thời gian gần 20 năm cũng giống như một chặng thanh xuân đẹp đẽ của đời người. Có thật nhiều khó khăn, và cũng có thật nhiều niềm hạnh phúc cùng thành tựu. Có lúc tôi thấy rằng, điều mình nhớ nhất, không phải chỉ là nụ cười mà còn là những giọt nước mắt. Khách hàng của chúng tôi đến ăn mà nước mắt chứa chan là có thật. Giọt nước mắt ấy khiến chúng tôi lúc đầu có phần hoảng hốt, nhưng khi hiểu ra, thấy sống mũi mình cũng cay tự bao giờ. Đó là một miền nhớ ùa về khi vô tình tìm thấy hương vị năm xưa từ bàn tay và góc bếp của bà, của mẹ.
Người đã xa, và vị đó ngỡ chẳng khi nào còn gặp lại, cho tới hôm nay, bất chợt lại được tìm về. Món ăn hôm ấy chỉ là bánh đúc nộm – món ăn giản dị từ bao năm cũ, và tôi tin còn rất nhiều những món ăn đã được dọn lên trong sự rưng rưng cùng thật nhiều cảm xúc ngay từ đũa gắp đầu tiên. Con đường của chúng tôi, triết lý cốt lõi của Quán Ăn Ngon chính là ở những trải nghiệm cảm xúc đa dạng của khách hàng như thế. Trong đó, gìn giữ giá trị ẩm thực Việt là sứ mệnh và cũng là kim chỉ nam rõ nét của chúng tôi.”
Quán Ăn Ngon có phong cách bài trí truyền thống, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc
Nếu Quán Ăn Ngon được định hướng theo mô hình truyền thống, thì Ngon Garden là một sự chuyển mình đầy tinh tế, hài hòa nét truyền thống và phá cách với màu hiện đại. Trong những khoảng sân vườn ngát xanh nhìn ra hồ Thiền Quang thơ mộng, khám phá những căn phòng trong căn biệt thự Pháp cổ rộng lớn với tên gọi được đặt riêng: Sapa, Long Biên, hay Mùa Gặt, thực khách còn có thể lạc lối và nhầm tưởng mình đang ở triển lãm tranh với khoảng không gian rộng lớn có sức chứa tới 400 người tại tầng 2. Một khu vườn Ngon đủ sắc, đủ hương, đủ thơ, và đậm vị. Hơn thật nhiều trải nghiệm chỉ là của một bữa ăn, là điều mà đội ngũ của Ngon Garden dầy công chăm chút và nỗ lực mỗi ngày.
Không chỉ có điểm chung về sự đa dạng trong thực đơn, Quán Ăn Ngon và Ngon Garden còn mang nét đặc trưng về không gian khi đều tọa lạc trên những con phố lớn của thủ đô, trong khuôn viên của những ngôi biệt thự Pháp cổ rộng cả nghìn m2. Giống là vậy nhưng mỗi thương hiệu đều bám sát tinh thần chủ đề cốt lõi, và thực khách có thể dễ dàng cảm nhận điều đó ngay từ những bước chân đầu tiên qua cánh cổng. Trong chung có riêng, một từ Ngon có 2 hàm ý, Quán ăn – Khu vườn. Một thương hiệu được điều hành bởi một người, chung nội hàm ẩm thực nhưng ngoại diên thì khác nhau quá rộng. Sự tài tình, biến hóa và thành công của 2 người con sinh cùng một mẹ, là điều mà sau khi hiểu sâu hơn, chúng tôi càng thêm khâm phục người phụ nữ bé nhỏ này.
Ngon Garden với không gian 3.000m2, bao trọn khoảng sân vườn với hàng trăm loại cây xanh
Bên cạnh việc được đông đảo người Việt yêu mến, Quán Ăn Ngon và Ngon Garden cũng là nơi được nhiều thực khách quốc tế và đặc biệt là các chính khách lựa chọn mỗi khi tới Việt Nam. Thủ tướng Luxembourg, gia đình Đại sứ Úc đến Đại sứ Cộng Hòa Séc…. Họ cũng giống như nhiều vị khách quốc tế khác, hào hứng khi xem cách làm bánh cuốn, thích thú khi lần đầu thử mắm tôm và nhiệt thành bày tỏ lòng yêu mến đặc biệt khi được thưởng thức những món ăn hợp khẩu vị.
Michelin là “cú hích” quảng bá du lịch Việt nhưng sức mạnh nội lực mới là điều giữ chân du khách
Chị Bích Hạnh chia sẻ một cách rất chân thành: ‘Michelin là danh hiệu quốc tế mà ai cũng khao khát, đặc biệt là những người làm trong ngành ẩm thực. Tuy nhiên phía sau hào quang của một giải thưởng là việc cần tỉnh táo nhìn nhận và giữ vững mục tiêu chiến lược của bản thân mình. Đó là niềm tự hào, là động lực, và cũng là lời nhắc nhở, mỗi chúng ta đừng quên việc hoàn thiện, và nhớ không bao giờ được thôi cố gắng.
Giữ sự chỉn chu trong từng công đoạn, kiểm soát đầu vào nguyên liệu tươi ngon, chế biến đồng nhất và mang cả tâm hồn trong từng sản phẩm là điều chúng ta phải cùng nhau ghi nhớ. Tôi và tập thể nhân viên của Phúc Hưng Thịnh nói chung cùng Quán Ăn Ngon và Ngon Garden nói riêng mỗi ngày đều nhắc nhở nhau như thế.”
Với nữ doanh nhân Bích Hạnh, Michelin là niềm tự hào và động lực để Quán Ăn Ngon và Ngon Garden ngày càng hoàn thiện
Việc Michelin lần đầu tới Việt Nam là một “cú hích” với du lịch nói chung và ẩm thực nói riêng là điều mà không ai có thế phủ nhận. Với chị Bích Hạnh, ẩm thực Việt chính là một “kho tàng” giá trị chưa thể khai thác hết, có tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên làm thế nào để du khách đến thăm và quay trở lại Việt Nam vì ẩm thực lại là một bài toán khó, không chỉ phụ thuộc vào danh hiệu Michelin.
“Tôi nhớ câu nói của một bậc thấy Marketing rằng ‘Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới’. Điều này cho thấy ẩm thực là nét văn hóa vô cùng đặc trưng để thu hút khách du lịch. Giống như nhiều người thích đi Thái Lan không phải để ngắm cảnh mà chỉ để ăn đồ Thái. Tôi tin chúng ta có tiềm năng tạo dấu ấn như vậy, để khách đến Việt Nam vì nhớ món ăn và nhắc đến ẩm thực nhiều hơn nữa.
Nhưng điều quan trọng vẫn là phải là sức mạnh nội lực, từ việc quảng bá du lịch ẩm thức đến trách nhiệm trong việc phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp làm dịch vụ. Và chúng tôi tự hào khi được góp một phần nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt, không chỉ chinh phục đông đảo khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế” –chị Hạnh chia sẻ.