Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT

Lê Khang | 11:59 14/01/2022

Ngân hàng HSBC vừa công bố một báo cáo về xu thế ứng dụng IoT (Internet Vạn vật) của các doanh nghiệp trên thế giới với khoảng 90% doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề tham gia khảo sát đều coi công nghệ IoT là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp.

Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT
Trên thế giới có khoảng 13 tỷ kết nối IoT trong năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên 24 tỷ vào năm 2025.

IoT là thuật ngữ để chỉ việc sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet để truyền tải tín hiệu thông qua mạng lưới riêng hoặc công cộng. Như đối với các ngành sản xuất, IoT công nghiệp có thể giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống trong nhà máy thông minh và tối ưu hóa các chuỗi cung ứng nhờ tự động hóa các hoạt động sản xuất, cho phép quản lý hàng tồn kho từ xa và các vấn đề môi trường, hỗ trợ bảo trì từ xa.

Ứng dụng IoT trong chuỗi cung ứng.

Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), trên thế giới có khoảng 13 tỷ kết nối IoT trong năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên 24 tỷ vào năm 2025.

Theo một khảo sát gần đây của Microsoft, tỷ lệ ứng dụng IoT trong các ngành đều ở mức cao, trên 91% doanh nghiệp sản xuất và 85% công ty trong lĩnh vực năng lượng đã ứng dụng IoT. Khoảng 90% doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề tham gia khảo sát đều coi công nghệ IoT là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp.

Động lực thúc đẩy các ngành ứng dụng IoT bao gồm duy trì chất lượng, đảm bảo công nghệ, tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất nhân công và cải thiện tình hình an toàn lao động. Quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.

Theo GSMA, số lượng thiết bị IoT toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng kép (CAGR) ở mức 12% trong giai đoạn 2019-2025. Mặc dù số lượng kết nối IoT được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn này (lên đến 24 tỷ kết nối vào năm 2025), GSMA gần đây đã điều chỉnh dự báo cho năm 2025 từ trước đại dịch xuống 2% do COVID-19.

Tuy vậy, GSMA cho rằng IoT doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn IoT tiêu dùng, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển của chuỗi cung ứng thông minh trong tương lai.

Với tỷ lệ 91% doanh nghiệp sản xuất đang sử dụng các thiết bị IoT hiện nay có thể thấy các kho hàng cũng có tỷ lệ tự động hóa cao tương tự. Thực tế, tỷ lệ kho hàng được tự động hóa vào năm 2016 ước tính chỉ đạt 5%, trong đó tỷ lệ vận hành bằng máy chỉ đạt 15% và 80% vận hành bằng thủ công.

Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ thay đổi khi công nghệ robot phát triển với khả năng vận chuyển trở nên tinh vi hơn như nâng và đóng hàng. Mức độ phổ biến công nghệ kho hàng tự động với tỷ lệ ứng dụng IoT và Phân tích dự kiến gia tăng từ 45% vào năm 2019 lên 90% vào năm 2030.

Doanh nghiệp sẽ là đối tượng dùng nhiều nhất

Theo GSMA, tới 2025, các doanh nghiệp mới là nhóm đối tượng dùng các công nghệ IoT nhiều nhất chứ không phải người tiêu dùng.

Tỷ lệ gia tăng trong nhóm doanh nghiệp chủ yếu đến từ các tòa nhà thông minh với 2,9 tỷ thiết bị IoT mới đưa vào sử dụng. Theo sau đó là doanh nghiệp thông minh với 1,8 tỷ thiết bị bao gồm quản lý đội phương tiện, kiểm kê tài sản, nông nghiệp, dầu mỏ & khí đốt, khai thác mỏ và xây dựng và sản xuất thông minh với 1,2 tỷ thiết bị theo dõi hàng tồn kho, giám sát và chẩn đoán, quản lý kho hàng.

Trong mảng tiêu dùng, nhà thông minh nhiều khả năng sẽ thúc đẩy ứng dụng IoT với dự báo khoảng 1,9 tỷ thiết bị như cơ sở hạ tầng mạng lưới nhà và thiết bị an ninh nhà cửa.

Sự phổ biến IoT ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp cùng với các bước tiến trong ứng dụng tự động hóa và cải thiện kết nối sẽ thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu trong tương lai.

Theo McKinsey, phần lớn các khoản đầu tư liên quan đến IoT sẽ đổ vào cải thiện hiệu quả vận hành và tận dụng tài sản nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo ra 70-75% tổng giá trị tương lai cho các cơ sở nhà máy kết nối.

Trong bối cảnh phương tiện tự lái bắt đầu được tung ra trong những năm tới và ngành công nghiệp tăng cường tự động hóa nhờ ứng dụng IoT, thị phần nhu cầu trong các mảng này sẽ phát triển mạnh.

Đại dịch thúc đẩy số hóa

Một khảo sát gần đây của Inmarsat cho thấy hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát nói rằng những thách thức liên quan đến Covid-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT, trong khi đó, 47% đã thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án IoT nhằm ứng phó với đại dịch.

Khảo sát này cũng cho thấy những doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ triển khai IoT hoặc có chiến lược IoT có khả năng vượt qua đại dịch tốt hơn.

Các doanh nghiệp đều đang có kế hoạch số hóa sau khi đại dịch xuất hiện. Chi phí cho các giải pháp IoT doanh nghiệp đã tăng 12% vào năm 2020 lên gần 130 tỷ USD theo IoT Analytics, con số này dự kiến còn tăng lên 412 tỷ vào năm 2025.

Mặc dù nhiều kế hoạch lắp đặt phần cứng đã phải trì hoãn do đại dịch, các doanh nghiệp đã chi nhiều hơn cho các dịch vụ hạ tầng và kho dữ liệu trực tuyến IoT như các giải pháp giám sát tài sản từ xa.

Theo một cuộc khảo sát với các doanh nghiệp sản xuất ở Bắc Mỹ, khoảng một nửa trong số họ đang cân nhắc triển khai nhà máy thông minh và 47% cân nhắc các giải pháp IoT nhằm chuẩn bị cho các gián đoạn hoạt động trong tương lai.

Kết quả này càng được củng cố bởi một khảo sát do Microsoft thực hiện vào năm 2021, trong đó, khảo sát cho thấy đại dịch đã thúc đẩy 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát thấy cần phải đầu tư thêm vào chiến lược và giải pháp IoT so với mức 31% trong năm 2020.

Một khảo sát khác của Gartner cho thấy 47% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng mức đầu tư vào các công nghệ IoT nhằm giảm chi phí trong tương lai, trong đó Gartner ước tính tới năm 2023 một phần ba doanh nghiệp vừa và lớn đã triển khai IoT sẽ triển khai ít nhất một “công nghệ bản sao số” (digital twin) do Covid-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO