Công ty Tân Tạo đính chính về việc chi gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến

Nguyên Trang - Dương Hùng | 22:42 08/08/2022

Công ty Tân Tạo vừa công bố lại Báo cáo tài tính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, đính chính lại thông tin tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đã công bố trước đó.

Công ty Tân Tạo đính chính về việc chi gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến
Sau "lùm xùm" không công bố thông tin phá sản theo quy định, công ty Tân Tạo tiếp tục gây bất ngờ với nhiều cổ đông và nhà đầu tư với thông tin tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến.

Cụ thể, trong BCTC hồi cuối tháng 7, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (công ty Tân Tạo, HOSE: ITA) đã “chi tạm ứng” cho Chủ tịch HĐQT Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) số tiền gần 1.936,7 tỷ đồng, chiếm gần 57% khoản phải thu ngắn hạn khác, nhằm tham gia dự án tại Mỹ.

Đây là khoản phát sinh đột biến, bởi những quý trước công ty cũng chi cho mục đích tương tự nhưng số tiền chỉ vài chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 5/8, công ty Tân Tạo đã có báo cáo đính chính khoản tạm ứng này chỉ 633 tỷ đồng và mục đích là “hợp đồng chuyển nhượng cổ phần” theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua cách đây 3 tháng.

Theo đó, nội dung thông tin công bố cho biết công ty Tân Tạo gửi văn bản số 147/TB-ITACO22 đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, thực hiện công bố lại BCTC hợp nhất quý 2/2022. Lý do công bố lại là vì: “Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 đã công bố ngày 29-7-2022 trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai”.

hinh-2.png

Số liệu đính chính lại chỉ chi hơn 633 tỷ đồng chứ không phải 1.936 tỷ đồng như đã công bố trước đó.

Điều chỉnh khoản tạm ứng cho bà Yến khiến cơ cấu tài sản của công ty Tân Tạo biến động mạnh. BCTC ban đầu ghi nhận giá trị tài sản ngắn hạn là 7.600 tỷ đồng thì nay giảm còn khoảng 6.260 tỷ đồng. Thay vào đó, tài sản dài hạn tăng từ 5.640 tỷ đồng lên 6.980 tỷ đồng.

Được biết, Chủ tịch của công ty Tân Tạo bắt đầu nhắc đến Dự án Công nghệ cao tại Mỹ trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2020, trong lần tái xuất trước cổ đông kể từ năm 2013. Bà khẳng định việc đầu tư ra nước ngoài sẽ đưa công ty Tân Tạo phát triển ra quốc tế và tạo bước đi bền vững hơn.

Thời điểm đó, bà cũng thông tin công ty Tân Tạo đã giành được giấy phép khu công nghiệp dược phẩm và y tế cao cấp - dự án được cấp phép lớn nhất của bang California và đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng đường sá, hạ tầng.

Theo đó, công ty bắt đầu chi tạm ứng trên cho dự án tại Mỹ vào cuối năm 2020 với số tiền chỉ 14 tỷ. Đến cuối năm 2021 là 59 tỷ và cuối quý 1 có số dư 63 tỷ đồng. Như vậy, con số chi ra tăng lên chủ yếu trong quý 2.

Dù thay đổi khoản tạm ứng nhưng các chỉ số khác về kết quả kinh doanh của công ty vẫn không có sự thay đổi. Công ty Tân Tạo ghi nhận lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp đôi cùng kỳ với 146,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ thanh toán các khoản đầu tư, doanh thu hoạt động tài chính báo lãi đột biến lên 10,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 800 triệu đồng, gấp 13,3 lần.

Trong quý 2, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty Tân Tạo giảm 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt gấp 3 lần so với cùng kỳ lên 117,6 tỷ đồng, mức lãi bán niên cao nhất từ 2010 đến nay.

Mặc dù ghi nhận mức lãi kỷ lục nhưng dòng tiền kinh doanh của công ty Tân Tạo bị âm hơn 1.114,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 126,7 tỷ đồng; Dòng tiền tài chính tiếp tục âm 111,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm 122,4 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, do tiền thu hồi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác (Phát triển Năng lượng Tân Tạo) là 1.021,7 tỷ đồng đã giúp dòng tiền từ hoạt động đầu tư chuyển sang dương 1.014,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái và đầu năm vẫn âm lần lượt là 21,3 tỷ đồng và 201,9 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần của công ty Tân Tạo âm 211,5 tỷ đồng, tăng hơn 194,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm hơn 17 tỷ đồng.

Cổ đông có thể khởi kiện để đảm bảo quyền lợi

Trước đó, thông tin về việc công ty Tân Tạo chi tạm ứng hơn 1.936 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT công ty Tân Tạo để tham gia các dự án đầu tư tại Mỹ, khiến nhiều người băn khoăn vì số tiền chuyển ra nước ngoài quá lớn.

Tuy nhiên, các quyết định về chuyển tiền hay hoạt động của công ty đã được Đại hội cổ đông và HĐQT thông qua.

Đồng thời, việc chi với số tiền lớn gần 2.000 tỷ đồng thì cổ đông và nhà đầu tư cần phải được lãnh đạo công ty giải thích chi tiết, rõ ràng từng hạng mục, từng dự án đầu tư vào đâu để hiểu rõ. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần biết quy trình thủ tục, đầu tư có đúng không với quy định của pháp luật và điều lệ công ty hay không.

Các chuyên gia luật khuyến cáo, trong trường hợp cổ đông nhận thấy người quản lý, lãnh đạo công ty không minh bạch, không bảo đảm quyền lợi cổ đông thì có thể tập hợp nhóm cổ đông từ 1% trở lên để khởi kiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Công ty Tân Tạo đính chính về việc chi gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO