Ngày 29/11, CTCP Sơn và Hóa chất phủ Hòa Bình (HBP) tổ chức sự kiện công bố định hướng chiến lược mới, thay đổi trong tên định danh và thay đổi logo nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Đây là công ty con do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) sáng lập và sở hữu 92,86% vốn điều lệ.
Tại sự kiện nói trên, ông Lê Viết Hưng, Cố Vấn Ban TGĐ Tập Đoàn Xây Dựng Hoà Bình cho biết: “Trong suốt lịch sử hoạt động công ty chưa giờ lỗ, chỉ có lãi ít hoặc nhiều”.
Ảnh: Fanpage Sơn Hòa Bình
Thực tế, Sơn Hòa Bình là một công ty rất nhỏ trên thị trường, cũng như trong hệ thống Tập đoàn Hòa Bình (VĐL 3.472 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 15.000 tỷ).
Cuối tháng 10 vừa qua, công ty chuyển đổi từ loại hình Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) sang Công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 7 tỷ đồng lên gần 7,6 tỷ đồng. Ông Lê Viết Hiếu – con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC là đại diện phần vốn góp của HBC và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT HBP.
Ảnh: Fanpage Sơn Hòa Bình
Ngoài cổ đông HBC, Sơn Hòa Bình do hai Thành viên HĐQT HBC là ông Huỳnh Hữu Tốt và ông Lê Viết Hưng lần lượt nắm 5,48% và 1,66%.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Sơn Hòa Bình, so với mốc 2018, doanh số của công ty đến nay đã gấp 3 lần, lợi nhuận gấp 3 lần và nhân sự cũng gấp 3 lần. Công ty này dự kiến nâng công suất từ 8.000 tấn lên 25.000 tấn tại nhà máy sản xuất. Các tên gọi sản phẩm như “Sơn giả đá”, “Sơn đá Hòa Bình”… đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu mạnh.
“Chúng tôi cổ phần hóa nhưng chưa vội lên đại chúng, M&A. Chỉ khi nào thị trường công nhận sự có mặt của Sơn Hòa Bình như một phần không thể thiếu, khi đó chúng tôi sẽ là công ty đại chúng và M&A" – Ông Huy nói.
Được biết, Sơn Hòa Bình đi từ cung cấp sơn đá rồi mới cung cấp sơn nước – một cách đi ngược với thị trường sơn Việt Nam. Hiện nay công ty có thêm dòng sơn nước chỉ phủ 1 bước thay vì 2 bước so với các nhãn hàng khác trên thị trường, nên công ty đã rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí.