Công cụ lãi suất không còn là "cây đũa thần"

Quỳnh Anh | 11:39 04/04/2023

Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cần thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế nhưng nhu cầu đầu ra của doanh nghiệp mới là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Công cụ lãi suất không còn là "cây đũa thần"
Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền.

Nội dung chính:

  • Lãi suất không còn là yếu tố trọng yếu đối với doanh nghiệp, thay vào đó vấn đề cần quan tâm hiện nay là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng. 
  • Thị trường chứng khoán hưng phấn và tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 tạo ra áp lực chốt lời trong các phiên tới. 

Tháng 3/2023, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống 47,7 điểm gây bất ngờ cho giới đầu tư, dù nhiều dự báo nền kinh tế quý I/2023 sẽ khó khăn do chịu tác động mạnh từ các đợt tăng lãi suất và lực cầu yếu trên thế giới. 

Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group đánh giá chỉ số PMI dưới 50 điểm là “mức tệ”.  

“Tôi không nghĩ đến con số 47,7 điểm trong tháng 3” - ông Long chia sẻ. 

Theo ông Long, PMI là chỉ số dẫn dắt, do đó PMI thấp sẽ phản ánh vào kết quả hoạt động của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp trong quý tới. 

Trước đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước - gần thấp nhất trong 13 năm. Đáng chú ý, dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7% - thấp nhất 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp 56/63 địa phương. 

“Khi làm việc tại TP.HCM, tôi cảm nhận rằng mức độ đông đúc và sôi động đã hạ nhiệt rất nhiều trong quý I vừa qua. Việc TP.HCM - đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam gặp vấn đề là dấu hiệu tệ hơn so với việc GDP tăng trưởng thấp” - ông Long nhận định.  

Ông Long đánh giá việc giảm lãi suất không còn nhiều tác động do ảnh hưởng từ quyết định này thường có độ trễ và cần thời gian để phản ánh vào lãi suất huy động và lãi suất cho vay, từ đó thẩm thấu vào nền kinh tế.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo giảm một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 3/4/2023. 

Quyết định giảm lãi suất là động lực hỗ trợ và kích thích nền kinh tế nhưng quan trọng vẫn là nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh thiếu hụt đơn hàng, thậm chí khó khăn sẽ còn tăng cao trong quý II/2023

Ông Long cho rằng: “Tôi đánh giá việc giảm lãi suất không còn quá nhiều tác động nếu như mọi người sống trong doanh nghiệp.” 

Với tư cách một chủ doanh nghiệp, ông Long nhận định lãi suất không còn là vấn đề đáng quan tâm, thay vào đó là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Kết hợp với chỉ số PMI thấp, ông Long dự báo tình hình quý II/2023 sẽ không quá lạc quan. 

Áp lực chốt lời tăng cao 

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, VN-Index tăng hơn 14 điểm và áp sát mốc 1.080 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

“Không quá bất ngờ về phiên tăng điểm hôm nay. Khi mà truyền thông, có vẻ như rất chủ đích, cố gắng đưa tất cả các tin tốt và thậm chí nhắc lại những tin tức đã mờ để đưa lên headline [tiêu đề] đầu tiên” - ông Long chia sẻ.

Thị trường chứng khoán có sự nhạy cảm và phản ứng tức thời, nhờ đó chỉ số VN-Index tăng khá mạnh và thanh khoản tốt, lên đến 14.000 tỷ đồng. 

Chỉ số VN-Index đã có 10 phiên tăng điểm liên tiếp, tính đến hết ngày 3/4.

Ông Phan Lê Thành Long nhận định việc NHNN giảm lãi suất điều hành chưa có tác động ngay lập tức, thậm chí quá trình doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ này còn khá “xa vời”. 

Thay vào đó, tâm lý của thị trường chứng khoán lại chịu ảnh hưởng ngay lập tức từ quyết định của NHNN, kéo dòng tiền đầu cơ quay lại. 

Một lớp tài sản có tâm lý thị trường tốt sẽ hút dòng tiền đầu cơ và các quỹ ETF nước ngoài. Nhờ đó, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng vọt so với mức trung bình 7.000 - 8.000 tỷ đồng hồi tuần trước. 

“Thị trường tăng bằng cái gì thì có thể giảm bằng chính cái đó” - ông Long lưu ý - “Khi tâm lý thị trường không còn hưng phấn và mọi thứ quay lại với thực tại, công cụ lãi suất ở thời điểm này không còn là cây đũa thần” 

Dấu hiệu quan trọng nhất nhà đầu tư cần quan sát là thanh khoản trong những phiên sắp tới để nhận biết xu hướng thị trường. Ông Long dự báo áp lực chốt lời sẽ xuất hiện sau khi tăng 10 phiên liên tiếp. 

Thị trường chứng khoán tăng điểm ngay nhưng chủ yếu nhờ dòng tiền từ dân đầu cơ đang trực sẵn. “Nền kinh tế phải bền vững thì thị trường chứng khoán mới phát triển bền được” - ông Long cho biết.

Trong ngắn hạn, việc đầu tư vào chứng khoán ở thời điểm này đã trễ nhưng xét về đầu tư dài hạn thì nhà đầu tư tham gia thị trường vào bất kỳ lúc nào đều không bao giờ muộn. 

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Lãi suất & PMI giảm, kịch bản nào cho thị trường?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công cụ lãi suất không còn là "cây đũa thần"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO