Công bố giảm lãi suất, ngân hàng vẫn “chi đậm” cho người gửi tiền

Quỳnh Anh | 17:42 16/08/2023

Mặc dù công bố giảm lãi suất tiền gửi, chi phí lãi tiền gửi (chi phí lãi) của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 vẫn tăng tới 84% so với cùng kỳ do nền lãi suất cao gần một năm trước.

Công bố giảm lãi suất, ngân hàng vẫn “chi đậm” cho người gửi tiền

Nội dung chính:

  • Tổng chi phí lãi của 28 ngân hàng trong nửa đầu năm nay đã tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước.
  • Thu nhập lãi thuần của các ngân hàng được thống kê chỉ tăng hơn 8% so với 6 tháng đầu năm ngoái. 

Trong khi các doanh nghiệp đang gồng mình gánh chi phí lãi vay phải trả cho các ngân hàng, thì các ngân hàng cũng đã trải qua nửa năm kinh doanh với khoản chi phí lãi tiền gửi (chi phí lãi) phải trả cho người gửi tiền tăng vọt. 

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 được công bố của 28 ngân hàng, tổng tiền gửi của khách hàng đạt trên 9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8% sau nửa năm và tăng 14,3% sau một năm. 

Mặc dù tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng tương đối chậm nhưng chi phí lãi 6 tháng đầu năm nay của các 28 ngân hàng đã tăng hơn 84% so với cùng kỳ, đạt trên 319 nghìn tỷ đồng.

Mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất đạt 43,5% thuộc về Ngân hàng HDBank. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank) vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về lượng tiền gửi của khách hàng nhưng mức tăng trưởng thấp hơn, chỉ đạt 5,5%. Riêng nhóm này thu hút gần 4,2 triệu tỷ đồng tiền gửi, tương đương 46% tiền gửi toàn hệ thống. 

Với vị thế là những nhà băng có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng là những ngân hàng có chi phí lãi cao nhất nửa đầu năm nay. 

Thực tế, nhóm ngân hàng này dù có mức lãi suất huy động tương đối thấp so với mặt bằng chung nhưng nhờ uy tín lâu năm cùng mạng lưới chi nhánh trải dài khắp cả nước, đây vẫn là nơi gửi tiền của nhiều doanh nghiệp nghiệp lớn và người dân. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, Agribank hay BIDV gần như không vấp phải sự cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại khác.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã giảm sâu lãi suất huy động xuống mức xấp xỉ với các ngân hàng quốc doanh. Hiện nay, mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn chủ yếu dao động trong khoảng 6,4 – 6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng thương mại nhỏ hầu hết niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 7,2 – 7,6%/năm.

Tuy nhiên, kết quả từ những động thái này chưa phản ánh trực tiếp vào kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 2 quý đầu năm nay - chưa giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí lãi. 

Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023.

Tính đến hết quý II/2023, tỷ lệ Chi phí lãi 6 tháng/Tổng tiền gửi của khách hàng tại 28 ngân hàng đạt 3,5% - tăng 1,3 điểm % so với cuối tháng 6 năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ chi phí lãi/tổng tiền gửi cao nhất đạt 5,6% thuộc về Ngân hàng Bản Việt.

Tỷ lệ này càng cao, thể hiện mức độ “chịu chi” của các ngân hàng trong việc trả lãi suất tiền gửi cho người gửi tiền. Phần lớn các ngân hàng có tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung đều là những ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Đây cũng là nhóm ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất trong giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2022. 

10 Ngân hàng có tỷ lệ Chi phí lãi vay/Tiền gửi khách hàng cao nhất nửa đầu năm 2023.

Thu nhập lãi thuần tăng chậm

6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần 28 ngân hàng được thống kê đạt 220.500 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ - tương đương mức tăng tiền gửi. Dẫn đầu trong bảng xếp hạng thu nhập lãi thuần của khối ngân hàng vẫn là 3 ngân hàng quốc doanh, lần lượt là Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Nhận được lượng tiền gửi khổng lồ, các ngân hàng nhóm này cũng chiếm ưu thế về thu nhập lãi thuần - khoản thu từ chênh lệch lãi suất cho vay khách hàng và lãi suất tiền gửi.

Thông thường, các ngân hàng nhóm quốc doanh cho vay với lãi suất thấp hơn nhưng đi kèm điều kiện xét duyệt khắt khe hơn. Vì thế, dù chiếm tỷ trọng cho vay khách hàng lớn nhưng lợi nhuận của nhóm ngân hàng này vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng thương mại.

Tính toán từ dữ liệu của FiinPro, trung bình các ngân hàng nhận 100 đồng tiền gửi của khách hàng vào giữa năm 2023 sẽ thu về hơn 2 đồng lãi thuần. Trong khi vào cuối năm 2022, con số này là 5 đồng.

Theo WiGroup, cuối quý II, tăng trưởng tín dụng nhóm các tổ chức tín dụng khảo sát chỉ đạt 9,1% so với cùng kỳ - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2012. Những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như Techcombank, HDBank tăng trưởng chậm lại trong quý này, cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn.

Trái lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao như ACB, VIB, OCB,... đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cho thấy dấu hiệu phục hồi nhẹ từ mảng bán lẻ.

Gần đây, hàng loạt ngân hàng, điển hình là nhóm Big 4, đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay hoặc tung các gói vay ưu đãi quy mô lớn. Lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm nhờ NHNN liên tục cắt giảm lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

*Dữ liệu được tổng hợp từ FiinPro, một sản phẩm của FiinGroup.

Các ngân hàng được tổng hợp là ngân hàng  đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023.

Agribank, một trong nhóm Big 4 - các ngân hàng quốc doanh, lớn nhất chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 nên không có trong thống kê này. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công bố giảm lãi suất, ngân hàng vẫn “chi đậm” cho người gửi tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO