Còn nhiều “lực cản” với bất động sản công nghiệp

Lê Sáng | 11:40 05/06/2023

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), dù được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi nhưng vẫn còn không ít “lực cản” đối với sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp.

Còn nhiều “lực cản” với bất động sản công nghiệp
Dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp cũng còn nhiều lực cản để phát triển xứng tầm với tiềm năng. Ảnh minh họa, nguồn: Int

Theo VARs, "lực cản" đầu tiên với sự phát triển của bất động sản công nghiệp là khâu giải phóng mặt bằng còn chậm khiến cho nhiều dự án, các khu công nghiệp còn thiếu các dịch vụ phục vụ cuộc sống của người lao động và gia đình, hạ tầng kết nối còn thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng còn thấp,...

Trong bối cảnh tình hình ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, xuất nhập khẩu sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định, sự giảm tốc của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của bất động sản công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trung bình các năm gần đây, vốn FDI vào các khu công nghiệp và khu kinh tế (KCN, KKT) chiếm khoảng 35 - 40% tống vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, riêng với lĩnh vực chế biến, chế tạo thì tỷ lệ này có thế lên đến 70 - 80%. Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KKT, KCN tại Việt Nam đạt khoảng 340 tỷ USD.

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu Tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, chỉ bằng 92,7% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD. Bên cạnh đó, 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% về số dự án nhưng giảm 59,4% vê số vốn so với cùng kỳ.

Theo VARs, sự thay đổi của nền kinh tế, sự xuất hiện nhu cầu mới từ sự phát triển đang đòi hỏi định hướng chính sách cần rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Cụ thể, đầu tiên, các thông tin quy hoạch KCN đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để các nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư.

Thứ hai, yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng bất động sản cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh, hạ tầng, cần được đẩy mạnh, chú trọng đầu tư. Đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.

Thứ ba, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giải quyết các vướng mắc thủ tục đất đai như bồi thường, giải phóng mặt bằng vốn làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý. Các địa phương cần triển khai thực tiễn chiến dịch "trải thảm" đón nhà đầu tư, tăng cường chính sách ưu đãi đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác. Ưu tiên các KCN phù hợp với định hướng, đạt chỉ tiêu hạn chế lượng phát thải, mức tiêu thụ năng lượng,... hạn chế tác động đến môi trường, giảm sức ép cho hạ tầng.

Ngoài ra, dữ liệu của VARs cũng cho thấy, các doanh nghiệp "lắm tiền nhiều của" đến từ các thị trường phát triển có yêu cầu rất cao về hệ sinh thái xung quanh KCN và những những yếu tố liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất. Nhu cầu này đòi hỏi các KCN không chỉ cần có khu vực phục vụ hoạt động sản xuất, nhà ở cho công nhân, phát triển các dịch vụ đi kèm đa dạng, tạo môi trường sống cho người lao động và gia đình của họ mà còn cần hướng tới phát triển nhà xưởng hiện đại, có khả năng cung ứng những dịch vụ có chất lượng quốc tế với mức giá cạnh tranh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Còn nhiều “lực cản” với bất động sản công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO