Cơn đau đầu của Nhật Bản: Dân than trời vì lịch sử hàng chục năm thay đổi, đồng tiền yếu không còn là chân ái vì lạm phát

Vũ Anh | 09:55 18/02/2025

Sự bất mãn với lạm phát đang gây áp lực buộc các quan chức Nhật Bản phải tìm cách đảo ngược đà trượt giá của đồng yên.

Cơn đau đầu của Nhật Bản: Dân than trời vì lịch sử hàng chục năm thay đổi, đồng tiền yếu không còn là chân ái vì lạm phát

Trong nhiều thập kỷ ở Nhật Bản, người ta vẫn coi đồng tiền yếu (soft currency) là chân lý. Họ nghĩ chúng sẽ giúp các công ty trở nên cạnh tranh hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. 

Bằng chứng là vào năm ngoái, khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng USD, các thương hiệu lớn như Toyota Motor ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất lịch sử Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với phần lớn các hộ gia đình Nhật Bản, đồng yên yếu chỉ khiến chi phí sinh hoạt cơ bản bị đẩy lên cao, chẳng hạn như thực phẩm và điện. 

Việc cố gắng kích thích xuất khẩu bằng cách làm suy yếu đồng tiền từ lâu đã là công cụ chính sách đối với các quốc gia tìm kiếm tăng trưởng kinh tế: Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông muốn đồng USD yếu hơn để hỗ trợ sản xuất của Mỹ. 

'CON CỪU ĐEN'?

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một ví dụ trái ngược. Quốc gia này minh chứng rõ nhất cho việc khi một đồng tiền mất giá, sức mua của người tiêu dùng sẽ bị đè bẹp bởi lạm phát tiềm tàng. 

“Trong kinh tế học, họ dạy chúng ta rằng mọi thứ đều có 2 mặt”, Richard Katz, một nhà kinh tế tập trung vào Nhật Bản cho biết. “Sẽ rất tốt nếu rút ra bài học từ điều này”.

Các số liệu được công bố vào thứ Hai cho thấy chi tiêu hộ gia đình đã giảm nhẹ vào năm 2024, sau khi tăng trưởng trong 3 năm trước đó. Không giống như ở Mỹ, nơi mức tiêu dùng mạnh đã giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, chi tiêu yếu kéo dài ở Nhật Bản khiến tổng sản phẩm quốc nội thực tế chỉ cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.

Với mức thuế mà ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng rộng rãi đối với các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản, đồng yên dự kiến sẽ tiếp tục suy yếu. Sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với lạm phát đang gây áp lực lên các nhà lập pháp - những người sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 để tìm cách đảo ngược đà trượt giá của đồng yên.

Trước đây, Nhật Bản hoan nghênh đồng yên yếu phần lớn do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ qua, các công ty Nhật Bản đã chuyển giao nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh cho các công ty con bên ngoài biên giới. 

Trong cùng khoảng thời gian đó, Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu, trong đó có các nhiên liệu như than và khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Kể từ khi Nhật Bản đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này. Nước này cũng chi nhiều hơn cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu so với sản xuất trong nước.

Ông Katz cho biết, tiền tệ yếu chỉ có thể giúp kích thích nền kinh tế nếu các công ty biết cách tận dụng tốt doanh thu từ xuất khẩu để tăng cường tuyển dụng và trả lương, đồng thời đầu tư vào năng lực trong nước. 

"Tại Nhật Bản, chúng tôi không thấy bất kỳ sự lan tỏa nào như vậy. Ngược lại, người tiêu dùng chỉ bị ép buộc bởi chi phí nhập khẩu cao hơn", ông nói. 

Lạm phát khiến Masumi Inoue, một bà mẹ đơn thân làm việc tại một công ty chứng khoán ở Tokyo, phải trả nhiều tiền hơn cho những nhu cầu cơ bản. Gánh nặng về chi phí đề nặng, từ bánh mì, rau cho đến gạo dùng cho bữa trưa ở trường của cô con gái 5 tuổi.

Để giải quyết vấn đề, Inoue băt đầu nhịn ăn trưa và gửi con đến Lion Heart, một tổ chức phi lợi nhuận ở ngoại ô phía đông Tokyo, nơi cung cấp bữa tối miễn phí sau giờ học và kèm cặp. Cô Inoue cho biết: "Ăn uống vài lần một tuần rất có ích. Chi phí tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến tài chính gia đình chúng tôi".

Nhiều người khác ở Nhật Bản dường như cũng chung cảnh ngộ với Inoue. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 12, 60% hộ gia đình cho biết tình hình kinh tế của họ đã tệ hơn rất nhiều so với một năm trước đây. 

BẤT ỔN

Tình trạng bất mãn với lạm phát đang gây áp lực buộc các quan chức Nhật Bản phải tìm cách đảo ngược đà trượt giá của đồng yên. Năm ngoái, Nhật Bản đã chi hàng chục tỷ USD can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng tiền, song chi tiêu vẫn còn khá yếu. Mọi thứ thúc đẩy ngân hàng trung ương sớm có bước đi cụ thể. 

Sự trượt giá của đồng yên trong 3 năm qua phần lớn là do chính sách cố hữu giữ lãi suất ở mức thấp. Mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy lạm phát sau nhiều thập kỷ giá cả trì trệ, song lãi suất thấp lại khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở những nơi khác.

Trong năm qua, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã cố tăng lãi suất để khiến đồng yên mạnh lên. Tuy nhiên, với mức tăng lương không theo kịp lạm phát, một số nhà kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhật Bản nên tập trung trực tiếp vào việc khuyến khích tiêu dùng trong nước — tăng mạnh lãi suất, tăng giá đồng yên và hạ giá nhập khẩu.

Vào tháng 7, Ngân hàng Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất khiến đồng yên tăng giá nhanh chóng. Động thái này đã gây ra một đợt bán tháo lớn đối với cổ phiếu của các công ty đang hưởng lợi từ đồng yên yếu. Sau khi phải đối mặt với những lời chỉ trích mạnh mẽ, Ngân hàng Nhật Bản đã có những bước đi thận trọng hơn: công bố rộng rãi các kế hoạch của mình trước khi tăng lãi suất một lần nữa.

Sayuri Shirai, giáo sư kinh tế tại Đại học Keio, cho biết phản ứng dữ dội đối với động thái tăng lãi suất vào tháng 7 của ngân hàng đã gửi đi thông điệp sai lầm vào thời điểm quan trọng. Bà cho biết: "Cuối cùng, ưu tiên thực sự là gì, giá cổ phiếu hay ngăn chặn sự mất giá của đồng yên? Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này. Ngân hàng Nhật Bản đã có câu trả lời rõ ràng".

Trước đây, Nhật Bản là nền kinh tế tiên tiến duy nhất trên thế giới có lạm phát, lãi suất và tăng trưởng tiền lương đều ở mức gần bằng 0 - hoặc trong một số trường hợp còn thấp hơn mức đó. Giờ đây, các thống đốc ngân hàng trung ương và quan chức chính phủ cho biết nước này đang ở thời điểm chuyển giao lịch sử và sau cùng, có thể trở thành nền kinh tế “bình thường”. Các công ty sẽ có thể chuyển chi phí gia tăng sang cho người tiêu dùng, trong khi người lao động phản ứng bằng cách yêu cầu trả lương cao hơn.

“Chúng ta đã có được cơ hội lịch sử có một không hai trong đời để thoát khỏi tình trạng giảm phát. Tư duy tích cực coi mức lương tăng là chuẩn mực sẽ được thiết lập vững chắc trên toàn xã hội”, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Kịch bản tích cực là vậy, song chính sách đảo ngược này đang gây ra không ít vấn đề. Nhiều người kêu gọi ngân hàng trung ương thực hiện từ từ, bình thường hóa chính sách tiền tệ và bác bỏ kế hoạch tăng lãi suất liên tục như châu Âu và Mỹ.

Đằng sau sự thận trọng này là những thách thức về cơ cấu, chẳng hạn dân số ngày càng giảm và già đi trong khi nợ chính phủ cao so với quy mô nền kinh tế. Trung Quốc hiện cũng đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái vốn được cho là sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

“Một số người cao tuổi nhận lương hưu sẽ không thích lạm phát. Họ cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn khi giá cả không tăng. Sẽ có một lực lượng phản kháng”, giáo sư Tsutomu Watanabe nói và cho biết một cuộc thăm dò gần đây của Văn phòng Nội các cho thấy 63,2% người khảo sát cho biết họ không cảm thấy an toàn về mặt tài chính.

“Điều kiện kinh tế vẫn chưa sẵn sàng để bình thường hóa chính sách tiền tệ. Việc BoJ quyết định hành động chỉ dựa trên các cuộc đàm phán về lương mùa xuân cho thấy họ đang gấp rút chấm dứt lãi suất âm”, Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị BoJ kiêm giáo sư Đại học Keio, cho biết.

Theo Shirai, nguyên nhân chính gây bất ổn là liệu việc tăng lương mạnh mẽ của các công ty lớn nhất Nhật Bản có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không. Họ sử dụng tới 70% lực lượng lao động và không có nhiều cơ hội tăng lương, đầu tư tự động hóa hay tìm kiếm những lợi ích năng suất khác.

Đối với Mikihiro Matsuoka, nhà kinh tế trưởng tại SBI Securities, câu hỏi về tính bình thường của nền kinh tế Nhật Bản phần lớn sẽ được giải đáp bởi lĩnh vực dịch vụ, nơi giá nhập khẩu, đồng yên yếu và biến động năng lượng không liên quan nhiều. Tuy nhiên, theo Izumi Devalier, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản của Bank of America, bằng chứng từ những điều này vẫn còn khá chắp vá. “Chúng tôi đang chứng kiến một số ngành liên quan đến du lịch tăng giá vé. Các công ty tàu hỏa cũng tăng giá vé. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy mức tăng này đủ lớn để chắc chắn rằng lạm phát được duy trì”.

Theo Bruce Kirk, giám đốc chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Goldman Sachs, vẫn có sự chia rẽ rõ ràng giữa những người mong đợi Nhật Bản tiếp tục đảo ngược chính sách và những người cho rằng việc bình thường hóa nền kinh tế Nhật Bản có nghĩa là các nhà đầu tư có thể so sánh thị trường mình với thị trường khác. 

“Các dây hầu bao sẽ không lỏng lẻo cho đến khi việc tăng lương lan tỏa và mọi người cảm thấy bớt bất an hơn về tương lai của mình. Sẽ mất thêm một chút thời gian nữa”, Masamichi Terabatake, giám đốc điều hành của Japan Tobacco, cho biết.

Theo: The NY Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cơn đau đầu của Nhật Bản: Dân than trời vì lịch sử hàng chục năm thay đổi, đồng tiền yếu không còn là chân ái vì lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO