Hãng tin Bloomberg cho hay Trung Quốc đang nhập khẩu ngày càng nhiều khí đốt bất chấp tình hình thị trường quốc tế trong bối cảnh cố gắng đảm bảo nguồn cung điện khi nhu cầu dùng điều hòa và xe điện tăng cao.
Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục hỗ trợ các công ty quốc doanh ký những hợp đồng mua dầu khí dài hạn trên thị trường kỳ hạn (tương lai). Thậm chí với đà nhập khẩu hiện nay, Trung Quốc đang hướng tới trở thành nước nhập khẩu nhiều khí đốt nhất năm 2023 và là năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu toàn cầu trong mảng này.
Theo Bloomberg, hàng loạt vụ mất điện diện rộng những năm gần đây khiến Trung Quốc đã phải thay đổi chiến lược nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Vốn là một quốc gia thừa than thiếu dầu, Trung Quốc từ lâu đã phải phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Để chấm dứt tình trạng này cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ đốt than, Trung Quốc đã đẩy mạnh những công nghệ xanh như xe điện.
Trớ trêu thay, việc giảm cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới liên tục gặp rắc rối mất điện trong mùa nóng năm 2021 và 2022 khi các đập thủy điện không đủ nước cung ứng.
Hệ quả là giờ đây chính quyền Bắc Kinh phải đảo ngược chính sách, tăng cường sản lượng khai thác than cũng như trữ hàng khí đốt để có đủ điện cho người dân cũng như các nhà máy sản xuất.
Cơn khát khí đốt
“Đảm bảo an ninh năng lượng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc “, giám đốc Toby Copson của Trident LNG tại Thượng Hải nhận định.
Thật vậy, Trung Quốc là nước sản xuất nhiều điện nhất trên thế giới, tăng trưởng bùng nổ kể từ thập niên 1990 và vượt qua Mỹ vào năm 2011 để đứng đầu thế giới. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới 8,5 PWH (1 PWH=1.000.000.000.000 KWH), chiếm 30% lượng điện toàn cầu và cao hơn cả 3 nước đứng sau gồm Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại.
Hãng tin Bloomberg cho hay kể từ năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu tăng tốc các hợp đồng nhập khẩu khí đốt kỳ hạn nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện của mình. Động thái này đã tác động mạnh lên thị trường khí đốt khiến nhiều nhà nhập khẩu khác như Ấn Độ cũng tăng cường trữ hàng.
Tuy nhiên theo Bloomberg, từ đầu năm đến nay Trung Quốc vẫn là nước mua nhiều khí đốt nhất thế giới khi chiếm đến 33% hợp đồng kỳ hạn trên toàn cầu.
Vào tháng trước, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận kéo dài 27 năm vcowis Qatar còn ENN Energy cũng ký một hợp đồng đến tận năm 2026 với nhà cung ứng Cheniere Energy của Mỹ.
Những báo cáo của hãng tư vấn Rystad Energy cho thấy lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi lên 138 triệu tấn vào năm 2033.
Xe điện chạy bằng...than
Số liệu của Statista vào tháng 4/2023 cho thấy khoảng 63% điện năng Trung Quốc đến từ nhiệt điện đốt than và chỉ 14% đến từ thủy điện, còn lại là nguồn điện từ gió, mặt trời, điện hạt nhân, khí đốt...
Theo tờ Guardian, Trung Quốc đang ngày một nóng hơn, người dân giàu hơn và đương nhiên chuyện dùng điều hòa dần trở nên phổ biến. Khoảng 2/5 số điều hòa tiêu thụ hiện nay trên thế giới là ở thị trường Trung Quốc.
Hiện hơn một nửa nhiệt điện đốt than trên thế giới là ở Trung Quốc, biến nền kinh tế này thành nhà khai thác và tiêu thụ than lớn nhất toàn cầu. Mặc dù lượng nhiệt điện đốt than của nước này đóng góp cho cả nước đã giảm từ hơn 80% năm 2007 xuống còn 63% hiện nay nhưng rất rõ ràng, Trung Quốc không thể sống thiếu than.
Cường quốc Châu Á hiện phải nhập khẩu một nửa lượng khí đốt tiêu thụ hiện nay, khiến việc dùng dầu khí chạy nhà máy nhiệt điện trở nên quá đắt đỏ. Trong khi đó, Trung Quốc lại ngập trong tài nguyên than với trữ lượng vô cùng lớn tại vùng Nội Mông và Sơn Tây.
Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than trong 3 tháng đầu năm 2023 hơn cả toàn bộ số lượng năm 2021. Trước đó vào năm 2022, hãng tin CNN cho biết Trung Quốc thông qua 106 nhà máy nhiệt điện cỡ lớn, nhiều nhất kể từ năm 2015 và tương đương mỗi tuần thông qua 2 dự án.
Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc NSB) cho thấy trong năm 2022, nhiệt điện đốt than của nước này thậm chí tăng trưởng 1,4%, trong khi lượng tiêu thụ than tăng 4,3%. Đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than cao hơn tăng trưởng kinh tế (3%).
*Nguồn: Bloomberg, The Guardian, SCMP