Tâm lý chốt lời ngắn hạn xuất hiện ở các nhà đầu tư ngay sau khi thị trường chứng khoán mở cửa phiên cuối tuần (24/5). Mở cửa, chỉ số chính VN-Index "lao dốc" mạnh, giảm gần 8 điểm. Nhịp điều chỉnh chỉ giúp chỉ số chính vượt trên tham chiếu trong thời gian ngắn, rồi nhanh chóng rơi xuống mức tham chiếu ngay từ cuối phiên sáng.
Đến phiên chiều, áp lực bán ra mạnh khiến chỉ số chỉ số chính VN-Index có thời điểm “bốc hơi” hơn 30 điểm, rơi về mốc 1.250 điểm.
Đà bắt đáy sau đó giúp thị trường hồi phục trở lại, nhưng vẫn “bốc hơi” hơn 19 điểm.
Kết phiên, chỉ số chính VN-Index giảm 19,1 điểm, xuống 1.261,93 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 5,19 điểm, xuống 241,72 điểm. Sàn UPCoM-Index giảm 0,77 điểm, xuống 94,4 điểm.
Hôm nay, độ rộng nghiêng hẳn về bên bán khi toàn thị trường có 606 mã giảm giá (gồm 39 mã giảm sàn), 702 mã đứng giá và chỉ có 282 mã tăng giá (gồm 46 mã tăng trần).
Giảm 4,07%, cổ phiếu FPT của “ông lớn” công nghệ FPT lấy đi của chỉ số chính hơn 1,7 điểm. Đồng thời, dẫn đầu nhóm gây áp lực lên chỉ số chính VN-Index. Theo sau là cổ phiếu VCB -0,88% lấy đi 1,1 điểm, cổ phiếu CTG -2,26% (0,98 điểm), cổ phiếu VPB -2,7% (0,96 điểm), cổ phiếu HPG – 2,03% (0,85 điểm), cổ phiếu VHM -1,85 (0,8 điểm), cổ phiếu MSN -3,03% (0,79 điểm), cổ phiếu BCM -4,21% (0,66 điểm), cổ phiếu VIC -1,32% và MWG – 2,42% đều lấy đi của chỉ số chính hơn 0,5 điểm.
Ngược dòng, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng 2,54%, dẫn đầu nhóm kéo chỉ số chính với đóng góp hơn 0,86 điểm. Theo sau là cổ phiếu ACB của ngân hàng ACB tăng 2,81%, đóng góp 0,79 điểm. Các cổ phiếu đóng góp trên 0,2 điểm là cổ phiếu HVN và PLX.
Hôm nay, thanh khoản trên thị trường “bùng nổ” đạt hơn 40.700 tỷ đồng, tăng khoảng 13.300 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước. Riêng sàn HoSE khối lượng giao dịch đạt hơn 35.500 tỷ đồng, tăng khoảng 12.200 tỷ đồng so với phiên trước.
Tâm điểm hôm nay là cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Tân Tạo (Công ty Tân Tạo; HoSE: ITA). Thông tin Công ty liên quan tới bà Đặng Thị Hoàng Yến - lãnh đạo Công ty Tân Tạo muốn mua vào 37,98 triệu cổ phiếu ITA, nâng sở hữu lên 11,84% vốn điều lệ, đã giúp cổ phiếu bất động sản này ngược dòng thị trường tăng trần ngoạn mục.
Kết phiên 24/5, giá cổ phiếu ITA ở mức 5.590 đồng/cổ phiếu, tăng 6,88% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 12,8 triệu đơn vị - tăng đột biến so với mức bình quân các phiên trước, ở mức khoảng 2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, Công ty Tân Tạo đang gặp khó khăn trong việc tìm Công ty thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 thay thế cho Công ty Kiểm toán AASCS.
Thực tế, tới thời điểm hiện tại Công ty Tân Tạo vẫn chưa công bố Báo cáo kiểm toán năm 2023.
Ngoài ra, vào đầu tháng 5 vừa qua, Công ty Tân Tạo có tên trong danh sách các doanh nghiệp bị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do nợ thuế. Cụ thể, Công ty Tân Tạo nợ thuế hơn 136 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính tự lập quý 1/2024, Công ty Tân Tạo báo lãi sau thuế hơn 20 tỷ đồng, tăng hơn 33,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lợi nhuận gộp của Công ty Tân Tạo tăng hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2023, lên 36,4 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty Tân Tạo tính đến cuối tháng 3/2024 là hơn 12.142 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho là 3.581 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Sau khi mua ròng trở lại vào phiên trước với giá trị gần 62,3 tỷ đồng, phiên 24/5 khối ngoại lại “quay xe” bán ròng với giá trị hơn 1.615 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại bán ra mạnh nhất cổ phiếu FPT của “ông lớn” công nghệ FPT với giá trị hơn 346,7 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với giá trị hơn 148 tỷ đồng, cổ phiếu MBB của MBBank với giá trị 105,9 tỷ đồng, cổ phiếu VHM của Vinhomes với giá trị hơn 100 tỷ đồng, …
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua hơn 92 tỷ đồng cổ phiếu FUEVFVND. Theo sau là cổ phiếu IDC (47,5 tỷ đồng), DBC (33,8 tỷ đồng), …