Bắc Giang có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Mie
Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore). Bắc Giang có diện tích tự nhiên là 389.589 ha. Dân số Bắc Giang khoảng 2 triệu người.
Tỉnh này nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Với đặc điểm địa hình là miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp.
Trong buổi tiếp xã giao Đoàn công tác của Mie (Nhật Bản) của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, ngài Noguchi Tadashi - Đại biểu Quốc hội tỉnh Mie, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam, Nhật Bản cho biết, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Mie có nhiều điểm tương đồng, nhất là về diện tích và dân số, điều kiện thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp và ngư nghiệp, cây ăn quả cam quýt.
Tỉnh Mie có dân số gần 2 triệu người. Khu vực này có khí hậu ôn hòa, ấm áp và nhiều mưa.

Bắc Giang có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc.
Ông Noguchi Tadashi cho hay, Mie là tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao như ứng dụng công nghệ gen, công nghệ vi sinh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch vào nông nghiệp.
Tỉnh Mie nổi tiếng về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là ngành thiết bị điện tử với 19 năm liên tiếp đứng đầu Nhật Bản. Tỉnh còn có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Nhật Bản hiện có 22 dự án đầu tư tại tỉnh Bắc Giang, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 340,1 triệu USD, đứng thứ tư về số dự án đầu tư và thứ năm về tổng vốn đăng ký.
Hiện có 25 doanh nghiệp tỉnh Mie đang đầu tư tại Việt Nam, các thành viên Đoàn công tác rất quan tâm đến môi trường đầu tư cũng như thị trường Bắc Giang hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp tỉnh Mie mong muốn ngài Noguchi Tadashi là cầu nối với chính quyền tỉnh Bắc Giang để các doanh nghiệp của tỉnh Mie tìm hiểu tiềm năng, cơ hội để đầu tư vào tỉnh Bắc Giang cũng như tăng cường giao lưu văn hóa và quan hệ hợp tác khác.

Bắc Giang là điểm sáng tăng trưởng kinh tế
Trong những năm qua, Bắc Giang là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh liên tục dẫn đầu cả nước. Theo Cục Thống kê, quy mô GRDP năm 2024 của Bắc Giang ước đạt 207.000 tỷ đồng. Quy mô kinh tế tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Bắc Giang đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với gần 2 triệu người, trong đó có khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hàng năm và đạt trên 78% trong năm 2024.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 16 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp. Những năm gần đây, Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Cùng với phát triển công nghiệp, Bắc Giang quan tâm phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng, như trái vải thiều đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận.

Một dự án khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế Bắc Giang ước đạt khoảng 14,02%, vượt kịch bản dự tính của tỉnh (kịch bản dự tính là 13%), đứng đầu cả nước.
Tỉnh đã thu hút thêm 20 dự án đầu tư mới, trong đó có 11 dự án DDI với vốn đăng ký 13.630 tỷ đồng và cấp mới cho 9 dự án FDI, vốn đăng ký 22,8 triệu USD. Đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án DDI với số vốn bổ sung đạt 133,3 tỷ đồng và 20 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 118,1 triệu USD.
Toàn tỉnh có 221.000 lao động làm việc trong các KCN, tăng 30.000 lao động so với cùng kỳ.