Trong đó thị trường các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương đang địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thực phẩm Halal.
Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị “Thị trường Halal ở Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội."
Theo báo cáo đưa ra tại Hội nghị, khu vực Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người, chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới.
Về quy mô thị trường, các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD năm 2018.
Thực phẩm HaLal là thức ăn và đồ uống được phép theo Luật hồi giáo và phù hợp với đặc tính của ngôn ngữ được gọi là “Halal”.
Sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào mà Luật hồi giáo cấm, hay không chấp nhận. Sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu mà Luật hồi giáo không cho phép, hay không chấp nhận trong suốt các khâu chuẩn bị, chế biến, vận chuyển và lưu kho.
“Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng, người Hồi giáo đông nhất thế giới do đó tiềm năng cung cấp thực phẩm Halal đang mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi năm, mới chỉ có khoảng 50 công ty Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal. Hiện, Việt Nam cũng chỉ mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với tiềm năng. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal…
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện Việt Nam có gần 50% mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, chè, càphê, điều, tiêu... được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal.
Tuy nhiên thực phẩm Halal không chỉ là sản phẩm theo quy trình từ nguyên liệu thô cho đến quá trình chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng… Như vậy, sản phẩm Halal không chỉ liên quan đến quá trình sản xuất mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như nguyên liệu, phân bón, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần.
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận thị trường Halal đang khó khăn do khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là giấy chứng nhận Halal.
Tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn cùng với sự đa dạng và phức tạp trong quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal của mỗi nước cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại. Hơn nữa, đang tồn tại rất nhiều hệ thống Halal và nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm.
Bà Samina Naz, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, đánh giá nếu Việt Nam chiếm được thị phần 1% thị phần thị trường Halal cũng đã mang lại giá trị lớn. Việt Nam có khu vực kinh tế du lịch rất lớn, ngay cả trong đại dịch khu vực này vẫn phát triển. Du lịch ẩm thực là lĩnh vực quan trọng khi du khách đi nghỉ dưỡng.
“Bangladesh là thị trường lớn, có tiềm năng cao. Bà Samina Naz mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh tại Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất, cung ứng lương thực sang Bangladesh. Các nhà đầu tư Việt Nam có thể đến Bangladesh đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Đây là lĩnh vực Bangladesh có nhu cầu rất lớn và có thể phát triển rất là nhanh…”, bà Samina Naz nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cũng chỉ ra Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo sang Malaysia và vẫn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao. Doanh nghiệp muốn có giá trị cao thì cần xuất khẩu trực tiếp, không nên qua bên thứ 3.
“Về lâu dài cần có đầu mối thống nhất để tiếp cận thị trường Halal, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có một đầu mối chung nào. Các đầu mối tản mạn nên rất khó cho quá trình kết nối…”, ông Trần Việt Thái lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sẽ có kế hoạch hành động cụ thể để khơi thông, kết nói, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal.