Nội dung chính:
- Nhân viên CII đã chi hơn 1.100 tỷ đồng mua lại gần như toàn bộ lượng trái phiếu chưa phân phối hết của công ty.
- Nếu chuyển đổi trái phiếu sau một năm, trái chủ có quyền hưởng cổ tức tiền mặt 16% theo cam kết của lãnh đạo công ty.
- Nếu giữ trái phiếu, mức lãi suất có thể nhận được cao hơn 2,5%/năm so với lãi suất tham chiếu.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) vừa công kết quả phát hành lô trái phiếu CII42301 với tổng giá trị 2.840 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng nhân viên của CII (bao gồm lãnh đạo và người lao động công ty) đã chi 1.120 tỷ đồng để mua trái phiếu công ty phát hành.
Số tiền nhân viên bỏ ra để mua trái phiếu công ty đã giúp đợt phát hành của CII gần như thành công (tỷ lệ mua/phát hành trên 99%) - thu về trên 2.800 tỷ đồng.
Quyền lợi trái chủ CII
Đây là lô trái phiếu chuyển đổi, cho phép trái chủ công ty chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần từ năm thứ hai.
Trong năm đầu tiên, mức lãi suất của lô trái phiếu này được ấn định 10% - là mức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng tất cả các kỳ hạn hiện nay.
Sau một năm, mức lãi suất được thả nổi với phần bù 2,5%. Có nghĩa là lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn lãi suất tham chiếu 2,5%/năm. Lãi suất tham chiếu là lãi suất bình quân tiền gửi 12 tháng của hai ngân hàng Vietcombank, Vietinbank. Đây cũng là hai nhà băng quốc doanh, luôn duy trì mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại trong hệ thống.
Tuy nhiên, là trái phiếu chuyển đổi, trái chủ CII có quyền chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần lượng trái phiếu sở hữu sang cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá “rất hời” khi mức giá hiện hành của CII đang trên 18.000 đồng/cổ phiếu.
Khi nắm cổ phiếu CII, cổ đông không còn quyền hưởng lãi suất, nhưng có quyền hưởng cổ tức. CII cam kết sẽ chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông trong thời gian tới với tỷ lệ 16%/năm bằng tiền mặt.
So sánh quyền lợi chuyển đổi
Với mức giá chuyển đổi bằng mệnh giá, tỷ lệ cổ tức tiền mặt 16%/năm cao hơn tất cả hình thức gửi tiền ngân hàng và hầu hết lợi suất đầu tư trong một thị trường chứng khoán ổn định.
Cam kết cổ tức của CII xuất phát từ nguồn tiền thu phí BOT. Đại diện công ty cho biết mức thu phí không chỉ duy trì đều đặn, mà còn tăng theo thời gian do tăng mức phí theo quy định và tăng lưu lượng xe.
Nửa đầu tháng 1/2024, sau khi được điều chỉnh giá vé cao tốc, CII thu bình quân mỗi ngày 7,7 tỷ đồng tiền phí, theo thông báo chính thức trên website công ty.
Tuy nhiên, cam kết cổ tức vẫn là một cam kết “mở” - không có tính bắt buộc.
Cổ tức hàng năm của một doanh nghiệp được quyết định dựa trên kết quả kinh doanh và được ĐHĐCĐ thường niên của công ty thông qua. Mức cổ tức của CII vì vậy có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức 16% mà công ty cam kết.
Cam kết lãi suất cho trái chủ, vì vậy mang tính “chắc chắn” hơn, mặc dù tỷ lệ lãi suất thấp hơn rất nhiều so với cổ tức.
Mới đây, CII đã chi tiền thực hiện cổ tức đợt đầu tiên trong cam kết cổ tức đều đặn 16%/năm. Theo đó, công ty đã thanh toán 4% đầu tiên trong quý I/2024 (bắt đầu từ đầu mỗi quý). Đây cũng là lần thanh toán cổ tức tiền mặt đầu tiên của CII sau hơn 3 năm nói không với cổ tức.
CII cũng là doanh nghiệp chi trả lãi suất đều đặn cho các lô trái phiếu công ty đã phát hành trước đó.
Như vậy, nếu chuyển đổi sang cổ phiếu, trái chủ CII có quyền hưởng cổ tức tới 16% - là mức cao so với các hình thức đầu tư tài chính hiện nay. Mức cổ tức này được lãnh đạo công ty cam kết, nhưng chỉ được xác nhận hàng năm, căn cứ vào kết quả kinh doanh, cụ thể là dòng tiền thu phí của công ty.
Ngược lại, với mức lãi suất thấp hơn, trái chủ CII có quyền nhận mức lãi đều đặn trong 10 năm - theo lãi suất thả nổi.
Hàng loạt lãnh đạo CII đã bán toàn bộ cổ phiếu để lấy tiền mua trái phiếu trong đợt phát hành này. Một số lãnh đạo công ty chia sẻ mục đích cuối cùng của họ, là chuyển đổi sang cổ phiếu để hưởng cổ tức, đồng thời “làm chủ” công ty mình điều hành.