Trước đó, ngày 21/12, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 8793/CĐBVN-TC chấp thuận thời điểm điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Công ty có 2 dự án trực thuộc được điều chỉnh tăng giá vé trong đợt này. Đó là trạm thu phí Cà Ná – Km 1584 + 100, quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 và trạm thu phí Cầu Cổ Chiên Km11 + 850, Quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh và Bến Tre.
Thời điểm thực hiện tăng giá vé từ 0h00 ngày 29/12/2023, mức giá điều chỉnh tăng là 18%, mức giá cụ thể theo văn bản số 8940/CĐBVN-TC ngày 27/12/2023 của Cục đường bộ Việt Nam về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với các trạm thu phí có điều chỉnh giá.
CII thông qua công ty con – CII B&R (mã: LGC) quản lý 7 dự án BOT đang thu phí với doanh thu bình quân 7 tỷ đồng mỗi ngày. 2 dự án được điều chỉnh tăng giá vé trên đóng góp gần 20% doanh thu thu phí mỗi năm của danh mục dự án.
Trạm thu phí Cà Ná bắt đầu thu phí từ tháng 4/2017 và dự kiến kết thúc vào tháng 10/2036, Cầu Cổ Chiên bắt đầu từ tháng 9/2016 và kết thúc vào tháng 1/2028.
Dự án lớn nhất trong danh mục BOT của CII là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. Dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.
Ngày 23/10, CII B&R đã được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, doanh nghiệp thực hiện dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận Giai đoạn 1. Theo đó, kể từ quý IV, dự án sẽ được hợp nhất vào tài sản cũng như kết quả kinh doanh của CII.
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM ghi nhận doanh thu đạt 2.323,4 tỷ đồng, giảm 40,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 214,1 tỷ đồng, giảm 74,9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn xét riêng trong quý III, mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng mạnh, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu tài chính tăng mạnh, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Được biết, trong năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch doanh thu 5.155 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 469 tỷ đồng (trước khi phân bổ chi phí lợi thế thương mại).
Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận khoảng 242 tỷ đồng (cộng ngược lại chi phí lợi thế thương mại phân bổ), Công ty đã hoàn thành khoảng 52% so với kế hoạch năm.
Ngoài ra, để thu hút vốn triển khai các dự án BOT, CII đã công bố phát hành 2.840 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu. Giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp. Công ty cũng gia hạn thời gian đặt mua và nộp tiền đến 28/12/2023, ngày phát hành đến 25/1/2024.
Theo tìm hiểu của Markettimes, số tiền huy động trên, CII dùng 1.640,2 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội phát hành và còn lại 1.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận phát hành.
Trong đó, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội và Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận đều là công ty con của CII. CII sở hữu lần lượt 51% và 100% vốn điều lệ tại 2 đơn vị này.
Ngày 16/10, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua trái phiếu, tỷ lệ 10:1, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Đáng chú ý, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 10%/năm trong 4 kỳ đầu tiên và sẽ thả nổi với mức lãi suất bằng 2,5%/năm cộng với lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, tổng số tiền huy động là 2.840,2 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngày 10/11/2023, CII đã chuyển đổi 343.453 trái phiếu CII42013 phát hành ngày 2/11/2020 thành 34.345.300 cổ phiếu phổ thông theo yêu cầu của trái chủ. Ước tính theo giá thị trường ngày 10/11 là 16.950 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu mới chuyển đổi từ trái phiếu trị giá 582,15 tỷ đồng. Như vậy, sau chuyển đổi, số lượng trái phiếu mã CII42013 đã giảm từ 372.323 trái phiếu, về 28.870 trái phiếu.
CII cũng giao cho Tổng giám đốc thực hiện các công việc liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu, thực hiện các thủ tục đăng ký, lưu ký bổ sung và đăng ký bổ sung trên HOSE cho toàn bộ cổ phiếu được phát hành thêm.