Chuyện ‘mâu thuẫn’ tại nền kinh tế số 1 thế giới: Không ai biết trước ‘chữ ngờ’

Nhất Lưu | 21:42 10/05/2023

Nền kinh tế số 1 thế giới đang trải qua giai đoạn “kỳ lạ”.

Chuyện ‘mâu thuẫn’ tại nền kinh tế số 1 thế giới: Không ai biết trước ‘chữ ngờ’

3 năm trước, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ điêu đứng. Bùng phát dịch bệnh và các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến lạm phát cao nhất trong 40 năm. Điều này khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải thực hiện nâng lãi suất. Ngoài ra, trong nhiều tháng nay, các nhà kinh tế đã dự báo một suy thoái có thể sắp xảy ra. 

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, thị trường việc làm vẫn phát triển mạnh và người tiêu dùng thì đang tiếp tục chi tiêu.

Rất nhiều mâu thuẫn

Thời gian gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn thông báo sa thải, từ Walmart, Disney, Amazon, 3M, General Motors đến Meta Platforms. Nhưng hoạt động tuyển dụng vẫn “tấp nập” trong tháng 4 khi Mỹ ghi nhận đã tạo thêm tới 1,2 triệu việc làm mới trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Chưa hết, bất chấp sự sa thải ồ ạt ở Thung lũng Silicon, lĩnh vực công nghệ vẫn gia tăng tuyển dụng, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế hệ thống máy tính và dịch vụ liên quan. 

Ngành xây dựng cũng đang có tín hiệu tốt. Chính phủ Mỹ đã công bố rằng trong tháng 4, số người được tuyển dụng thuộc ngành này đã đạt mốc 7,9 triệu người - một con số kỷ lục. 

Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ “chậm chạp” trong hoạt động tăng lương, người lao động Mỹ hiện đã được hưởng mức tăng tốt nhất, đặc biệt là với nhóm có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, mức tăng lương cao như hiện tại sẽ “gây áp lực” cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từng cho biết mức tăng 3% là con số phù hợp để kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%. Nhưng việc tăng đó lại giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và giúp nền kinh tế tránh được suy thoái. 

Suy thoái hay không? 

Mọi diễn biến thị trường dường như biến động theo tuần. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tín hiệu tốt, nhờ kỳ vọng nền kinh tế có thể trên đà "hạ cánh mềm". Tăng trưởng và lạm phát đều đã hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp cũng không tăng đột biến. Bên cạnh đó, Fed cũng đã có chút “động thái” rằng có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. 

Goldman Sachs thì dự báo khả năng suy thoái là 35%. Còn vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell lại cho biết nền kinh tế có thể tránh được suy thoái.

"Theo quan điểm của tôi, việc tránh được một cuộc suy thoái là điều khả thi hơn là xảy ra suy thoái. Nhưng tôi cũng không loại trừ khả năng đó. Chúng ta có thể sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ", ông nói.

Tương lai sẽ ra sao? 

Câu chuyện về khả năng hạ cánh mềm của Mỹ đang bị thách thức bởi 2 vấn đề: biến động mạnh của các ngân hàng khu vực sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và cuộc khủng hoảng trần nợ công. Hiện tại, các ngân hàng khu vực dường như đã ổn định trở lại nhưng vấn đề cuộc chiến trần nợ lại đang tiềm ẩn rủi ro. 

Thứ 2, ngày 8/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói rằng Mỹ có thể sẽ vỡ nợ vào ngày 1/6 tới nếu Quốc hội không tăng trần nợ công trước thời điểm đó. 

Nhưng hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ dường như chưa hề nao núng. Chỉ số S&P 500 năm nay đã tăng gần 8% còn Nasdaq Composite thì tăng 17%.

Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu của Principal Global Investors nhận định: "Tôi nghĩ rằng vài tuần tới sẽ là thời điểm khó khăn. Khi thị trường chứng khoán vẫn vững chắc thì Quốc hội sẽ không cảm thấy áp lực rồi buộc phải đi đến một thỏa thuận nào đó”. 

Tham khảo CNN




Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyện ‘mâu thuẫn’ tại nền kinh tế số 1 thế giới: Không ai biết trước ‘chữ ngờ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO