Chuyện hy hữu trong làng hàng không: Phi công ngủ quên khi đang bay cao hơn 11.000m, cả phi hành đoàn "thoát chết" trong gang tấc nhờ 1 tín hiệu khẩn cấp

Ánh Lê | 16:50 12/07/2023

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc, một tín hiệu khẩn cấp đã kịp thời đánh thức 2 phi công đang ngủ quên.

Chuyện hy hữu trong làng hàng không: Phi công ngủ quên khi đang bay cao hơn 11.000m, cả phi hành đoàn "thoát chết" trong gang tấc nhờ 1 tín hiệu khẩn cấp

Phi công ngủ gật ở độ cao 37.000 feet

Theo trang tin tức hàng không thương mại Aviation Herald, ngày 15 tháng 8 năm 2022, chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đang trên đường bay từ thủ đô Sudan sang Ethiopia đã xảy ra sự cố nguy hiểm.

Cụ thể, trong đường bay từ Khartoum (Sudan) đến Addis Ababa (Ethiopia), 2 phi công phụ trách chuyến bay của hãng hàng không lớn nhất châu Phi đã không trả lời các cuộc gọi của kiểm soát viên không lưu.

Dữ liệu thu được cho thấy vào thời điểm đáng lẽ ra đã phải hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Addis Ababa Bole, chiếc máy bay lúc đó đang bay ở độ cao 37.000 feet (khoảng 11.200m) ở chế độ lái tự động. Phát hiện tình huống lạ, trạm kiểm soát không lưu đã tìm cách liên lạc với phi hành đoàn nhiều lần nhưng không được. Phi công điều khiển chuyến bay bị nghi ngờ đã ngủ quên khiến mọi nỗ lực liên lạc với phi hành đoàn gần như vô hiệu.

Ảnh: CNN

Trong lúc các phi công ngủ quên, hệ thống lái tự động tiếp tục để máy bay di chuyển ở độ cao khoảng 10.000m. May mắn thay, một báo động đã được kích hoạt khi hệ thống lái tự động của máy bay ngắt kết nối khi đã đi quá điểm đến. Tín hiệu này đã giúp “đánh thức” 2 phi công. Họ nhanh chóng tìm cách đưa máy bay tiếp cận đường băng và hạ cánh an toàn khoảng 25 phút sau đó. 

Hãng Ethiopian Airlines cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một báo cáo cho biết chuyến bay số hiệu ET343 trên đường từ Khartoum đến Addis Ababa đã tạm thời mất liên lạc với Cơ quan kiểm soát không lưu Addis Ababa vào ngày 15 tháng 8 năm 2022. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn sau khi liên lạc được khôi phục. Hãng đã đình chỉ công tác phi hành đoàn nói trên để điều tra về sự cố.”

“Những hành động khắc phục sự việc sẽ được thực hiện dựa trên kết quả của cuộc điều tra. An toàn vẫn luôn và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi,” hãng Ethiopian Airlines cho biết.

'Quan ngại sâu sắc'

Sau khi vụ việc xảy ra, Nhà phân tích hàng không Alex Macheras đã chia sẻ bài viết của mình lên Twitter và bày tỏ sự lo lắng mình trước “sự cố đáng lo ngại” trên. Chuyên gia này cho rằng việc ngủ quên của 2 phi công nói trên có thể là kết quả của sự kiệt sức.

“Sự mệt mỏi của phi công là điều không mới. Thế nhưng nó sẽ tiếp tục là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an toàn hàng không – trên bình diện quốc tế,” Alex Macheras chia sẻ trên Twitter.

Ảnh: CNN

Vụ việc cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tỏ ra bàng hoàng và cho rằng hành vi ngủ quên của hai phi công trong chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines là “thiếu chuyên nghiệp” và “nguy hiểm”.

Theo CNN, vụ việc của hãng hàng không Ethiopian Airlines xảy ra chỉ sau vài tháng các phi công của 2 hãng Southwest Airlines và Delta Air Lines cảnh báo tới ban giám đốc điều hành về tình trạng phi công bị kiệt sức đang trên đà gia tăng. Họ cho rằng các nhà lãnh đạo nên xem xét sự mệt mỏi và hậu quả tiềm tàng của nó là nguy cơ gây mất an toàn.

Hiệp hội Phi công Southwest Airlines (SWAPA) đã gửi một bức thư tới ban lãnh đạo, nhấn mạnh rằng sau đại dịch Covid-10, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao và tình trạng hủy chuyến do thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kiệt sức của phi công gia tăng.

Trước đó, vào tháng 5 cùng năm, tờ Repubblica của Ý đưa tin rằng một phi công ITA đã bị sa thải sau khi “ngủ gật” trong chuyến bay giữa New York và Rome. Cơ phó cũng được cho là đang "nghỉ ngơi" vào thời điểm đó dẫn đến việc chiếc Airbus A330 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu trong 10 phút.

(Theo CNN)


(0) Bình luận
Chuyện hy hữu trong làng hàng không: Phi công ngủ quên khi đang bay cao hơn 11.000m, cả phi hành đoàn "thoát chết" trong gang tấc nhờ 1 tín hiệu khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO