Theo Reuters, vào khoảng 11h00 trưa nay (9/4) giờ Việt Nam, mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực.
Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới về thuế quan. Cụ thể, Mỹ áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của tất cả các nước từ ngày 5/4 và áp các mức thuế đối ứng với 60 nền kinh tế kể từ ngày 9/4. Trong đó, mức thuế đối ứng Mỹ công bố với Việt Nam là 46%, thuộc nhóm các nước chịu mức thuế cao nhất, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Mới đây, vào sáng 8/4, tại Tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ" do báo Tiền phong tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá và thảo luận về những tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với các doanh nghiệp, với nền kinh tế; cũng như các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động, thiệt hại trước mắt...
Tại tọa đàm, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, cho biết chính sách áp thuế được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra từ khi cầm quyền. Ông Trump đã cam kết đưa nền kinh tế Mỹ lên hàng đầu và không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khác. Trong cách nhìn của ông Trump, nước Mỹ hiện đang chịu thua thiệt so với các nền kinh tế khác khi phải chịu mức thuế khá cao từ các thị trường. Hơn nữa, ông Trump muốn nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bằng cách đưa sản xuất và đưa công nghệ cao trở lại. Hiện nay, công nghệ cao và sản xuất được coi là nền tảng của nền kinh tế. Cuối cùng, thuế quan được Mỹ sử dụng nhằm tách các quốc gia ra khỏi thương mại với Trung Quốc.
Trên thực tế, các công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn của Mỹ trước đây tràn ra thị trường nhằm tự lựa chọn những chuỗi cung ứng lớn. Nhưng việc này không mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Với chính sách này, các doanh nghiệp của Mỹ phải nhìn nhận lại.

Theo ông Phạm Quang Vinh, chính sách thuế quan mới của Mỹ có nhiều tác động. Thứ nhất, nâng mặt bằng thuế quan và không có hàng giá rẻ khiến cho nước Mỹ bị thua thiệt.
Thứ hai, nước Mỹ lấy lại sức mạnh về kinh tế, công nghệ thì kết nối doanh nghiệp.
Thứ ba, nếu sức mạnh của Trung Quốc là sản xuất, nước Mỹ là thị trường tiêu thụ rất lớn. Do đó, các nước đều cần phải xuất khẩu đến nước Mỹ. Vậy nên, Mỹ muốn cài đặt lại quan hệ thương mại với nhiều nước.
Mục đích của đoàn đặc phái viên từ Việt Nam tới Mỹ để làm gì?
Cho đến nay, Việt Nam được đánh giá cao về cách phản ứng tích cực, chủ động trước vấn đề thuế quan.
Thế nhưng, theo ông Phạm Quang Vinh, phản ứng tích cực từ phía Mỹ là chưa đủ. Vì báo cáo đặc biệt mới đây của Mỹ nhấn mạnh rất nhiều tới các rào cản thuế quan, phi thuế quan cũng như hàng hóa xuất xứ Trung Quốc từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, chúng ta có cơ sở để lạc quan vì cuộc điện đàm của Tổng bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối 4/4 (giờ Việt Nam) thể hiện rằng ngay từ đầu Việt Nam đã có chủ trương và đường lối đối ngoại đúng đắn, để tạo ra lợi ích hài hòa giữa Mỹ và Việt Nam. Về tổng thể, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa của Mỹ. Do đó, việc hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang ở Mỹ để đàm phán về thuế đối ứng. Theo ông Phạm Quang Vinh, mục đích của đoàn đặc phái viên này không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội; đồng thời kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng.
Theo thông tin mới nhất từ Reuters, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Mỹ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, lãnh đạo của Boeing, SpaceX và Apple, và tham dự lễ ký hợp đồng 200 triệu USD giữa VietJet và quỹ KKR.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong chiều ngày 9/4 (giờ Mỹ, tức là sáng sớm 10/4 giờ Việt Nam) để thảo luận về chính sách thuế đối ứng.
Sau cuộc gặp này, Phó Thủ tướng dự kiến sẽ gặp các lãnh đạo của hãng máy bay Boeing và tham dự lễ ký kết thỏa thuận giữa hãng hàng không VietJet (HOSE: VJC) và quỹ đầu tư KKR.