Chia sẻ tại tọa đàm "Bất động sản năm 2025 - Tìm kiếm cơ hội trong thách thức" do báo Dân Việt tổ chức, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay: "Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu năm 2025, toàn ngành kinh tế nói cung, thị trường bất động sản nói riêng đúng là đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên không tránh khỏi những thách thức lớn".
Về cơ hội, ông Dũng chỉ ra, thời gian vừa qua, những hàng lang luật mới đã được đưa vào thực tế như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai... đã tháo gỡ rất n`hiều trong việc đầu tư dự án bất động sản. Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng những thông tư hướng dẫn, được tổ chức triển khai, tập huấn đến tất cả địa phương trên cả nước. Các văn bản luật đã được đầy đủ, ban hành để UBND các tỉnh triển khai thực hiện đã được hoàn chỉnh, hoàn thiện.
Ông Dũng cho rằng, đó là điều kiện thuận lợi, tạo ra cơ hội. Cùng đó, việc phân cấp phân quyền đã được thực hiện rất triệt để. Cơ bản triển khai các dự án bất động sản là của UBNT các tỉnh, như Dự án cấp 1, Dự án dưới 300ha.. đều được phân cấp đến UBND cấp tỉnh.
Thứ nữa, các cơ quan liên cũng đang tổ chức sắp xếp lại với tinh thần hiệu lực, hiệu quả và tạo ra cơ hội cho năm 2025 của bất động sản.
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận thấy rất nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2025. Thị trường hiện có những yếu tố như cung, cầu, giá, giao dịch.
Thứ nhất, với yếu tố cung. Ông Đính nhận thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, và đặc biệt sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Cùng với sự quyết vươn lên vực dậy qua chuỗi khó khăn của các doanh nghiệp, chắc chắn cung sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Bất động sản về nhà ở, nguồn cung mới đo được tại Hà Nội dự kiến và các đô thị vệ tinh sẽ ước đạt 3.000-7.000 sản phẩm. Tại TP.HCM và các vùng ven của khu vực này ước đạt trên 8.000 sản phẩm.
"Như vậy, thị trường rõ ràng đã nhiều hơn năm 2024 và cộng với những sản phẩm tồn kho đang dở dang, chưa bán thì nguồn cung khá dồi dào, nhiều hơn trong năm 2025", ông Đính nhận định.
Nguồn cung nhà ở tập trung sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp. Thị trường bình dân ghi nhận có sự cải thiện tích cực vào các dự án nhà ở xã hội. Các dự án thương mại giá rẻ thì hiện tại vẫn chưa thấy sự xuất hiện.
Về cầu, ông Đính đánh giá, cả cầu đầu tư do vấn đề đầu tư vào hạ tầng đô thị, đầu tư công cộng hưởng tăng trưởng kinh tế cũng khá tốt.
"Chúng ta đang quyết tâm đạt GDP 8% thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt lên. Như vậy, cả cầu thực và cầu đầu tư sẽ có xu hướng tăng trong năm 2025.
Về giá bán, ông Đính đánh giá bán năm 2025 sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức so với năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm bất động sản", ông Đính cho hay.
Về giao dịch, vị này cho rằng sẽ tăng tốt hơn trong năm 2025 bởi các yếu tố cung tốt hơn, các phân khúc ổn định hơn và đặc biệt giá sẽ được điều chỉnh và giữ nhịp ở mức tốt, dẫn đến giao dịch có xu hướng tăng.
Nhìn chung, thị trường sẽ hoạt động tích cực hơn so với năm 2024. Các chỉ số về thị trường cung, cầu cải thiện nhưng chưa thể quay về như năm 2018 - 2019.
Tuy nhiên, cũng dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch VARS vẫn băn khoăn về 2 kịch bản cho thị trường bất động sản có thể xảy ra trong thời gian tới.
Đầu tiên, kịch bản thứ nhất là kịch bản tích cực, khi tinh gọn bộ máy sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Điều này giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, chính sách pháp lý khiến thị trường bất động sản sẵn sàng bước vào chu kỳ mới, thăng hoa và phát triển tốt.
Còn với kịch bản thứ hai là kịch bản tiêu cực. Khi những cơ quan, cá nhân sau hợp nhất không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không chủ động trong công việc khiến cả bộ máy "dậm chân tại chỗ", nhìn ngó rồi không ai dám ký, dám làm khiến thủ tục đầu tư bất động sản tiếp tục bị trì hoãn kéo cả thị trường bất động sản đi lùi, thậm chí là "đóng băng".