Khẳng định gói vay 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng là tín hiệu tốt cho thị trường, song giới chuyên gia cho rằng, phạm vi đối tượng hướng đến chỉ tập trung vào nhóm khách hàng mua NOXH, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp.
Thực tế, nhu cầu của người dân về nhà ở thương mại trên thị trường rất lớn. Đây là lý do mà giới chuyên gia đề xuất nên có gói hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà thương mại.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ cho NOXH, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp là điều hoàn toàn cần thiết. Và gói hỗ trợ này thực tế đã được đề xuất từ nhiều năm trước.
Đặt trong bối cảnh hiện tại, ông Hiển khẳng định, gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng có tác động tốt đến thị trường nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.
Ông Hiển lý giải, nguồn cung NOXH tại thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM rất ít. Như vậy, gói tín dụng mà Bộ Xây dựng hay Ngân hàng nhà nước đề xuất sẽ khó đi vào triển khai thực tế trong bối cảnh mà các dự án NOXH còn tắc.
Mặt khác, ở Hà Nội hay TPHCM, nguồn cung nhà ở bình dân, trung cấp nhiều. Và nhu cầu của người dân hướng tới dòng sản phẩm này lớn. Ngoài ra, theo ông Hiển, loại hình căn hộ này còn có thể tăng giá theo thời gian, trong khi đó NOXH khó đem lại giá trị gia tăng tương đương.
Một lý do khác mà ông Hiển chỉ ra, đó là các doanh nghiệp bất động sản cũng tập trung phát triển nhà ở trung cấp. Để giải quyết thanh khoản thị trường, hỗ trợ người dân có nhà, ông Hiển đề xuất nên có gói lãi suất tốt dành cho người mua nhà ở trung cấp. “Người mua NOXH hưởng lãi suất thấp hơn còn người mua nhà ở trung cấp sẽ hưởng mức lãi suất có thể cao hơn”, ông Hiển nói.
Chung quan điểm này, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, hiện nay gói vay 110.000 tỷ cho người dân vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi dự kiến từ 4,8%-5%/năm. Tuy nhiên, thực tế thì các dự án nhà ở xã hội lại quá ít. Điển hình như thị trường Hà Nội, tìm mỏi mắt thì thấy được một dự án nhà ở xã hội tại Trung Văn đang rục rịch manh nha. Thị trường cũng không ghi nhận thêm nguồn cung nhà ở xã hội.
“Nên gói vay 110.000 tỷ đồng (trong đó 55000 tỷ dành cho chủ đầu tư vay, 55000 tỷ dành cho người dân mua) phải triển khai sớm, nhanh, rút ngắn thủ tục phê duyệt cả dự án và thủ tục mua nhà thì mới mang lại hiệu quả cao”, ông Thắng phân tích.
Ông Thắng cho rằng, nhu cầu của thị trường tại Hà Nội chủ yếu tập trung vào loại hình nhà ở thương mại bình dân, trung cấp. Thế nên, ông Thắng đề xuất gói hỗ trợ cho người mua nhà thương mại như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trước đó cũng từng mở rộng cho người dân mua nhà thương mại (với giá trị căn hộ dưới 1 tỷ đồng). Gói hỗ trợ này đã giúp người dân nhiều người dân có nhà. Chủ đầu tư cũng bán được hàng. Thanh khoản thị trường tốt đã kéo cả thị trường bất động sản phát triển.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng đề xuất phương án, mở rộng đối tượng cho vay mua nhà trong các gói hỗ trợ tín dụng, không chỉ bó hẹp vào nhà ở xã hội, nhà ở công nhận.
Ông Long phân tích, nhà ở thương mại giá thấp cũng có nhu cầu rất lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại tương đối khan hiếm. Trong khi đối tượng mua nhà giá thấp cũng gần sát ngưỡng với đối tượng chính sách, hoặc khá hơn một chút. Cho nên, trong các phân khúc sản phẩm của bất động sản, thị trường đang ách tắc ở phân khúc nào thì tháo ở phân khúc đó.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với việc mở rộng đối tượng hưởng lãi suất ưu đãi vay mua nhà chính là đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, việc gỡ vướng cho 1-2 phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực sẽ tạo ra cú hích thay đổi toàn bộ hệ thống, giải quyết được tình trạng ảm đạm của thị trường, bất động sản sẽ có điều kiện để phục hồi, ổn định trở lại.