Chuyên gia công nghệ Victor Hristov của Phone Arena phê phán một vấn đề mà theo anh là "trò lừa", "cách kiếm tiền bất hợp pháp" từ các công ty như Apple, Samsung hay Google khi bán điện thoại dung lượng cao với giá quá đắt, còn người dùng đang chấp nhận điều vô lý này mà không nhận ra.
Dưới đây là câu chuyện của Hristov.
Đắt quá đáng
Đó là một ngày cuối tuần đầu tháng 5 tuyệt đẹp tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Khi tôi đang quay thêm một video nữa từ một quán bar trên tầng thượng với tầm nhìn tuyệt đẹp, tôi nhận được thông báo dung lượng lưu trữ trên iPhone 15 Pro của mình lại hết.

iPhone 15 Pro có giá lên tới 1.000 USD nhưng bộ nhớ trong chỉ 128GB.
Chẳng có cảm giác nào tuyệt hơn khi đang trong kỳ nghỉ lại còn phải dọn dẹp bộ nhớ điện thoại.
Nói vậy nhưng tôi vẫn chấp nhận điều đó như một điều bình thường trong cuộc sống. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi chợt nhận ra chuyện này hình như đâu đến nỗi phải khó khăn thế?
Chiếc iPhone 15 Pro tôi đang dùng là mẫu cơ bản 128GB, được mua với giá 1.000 USD (khoảng 26 triệu) vào năm 2024. Dù nhìn nhận thế nào thì 1.000 USD cũng là một số tiền lớn. Nó đáng lẽ đã mang lại cho tôi một chiếc điện thoại dùng thoải mái nhất trong vài năm tới.
Nhưng khi trở lại nơi làm việc và nhìn thấy hai chiếc điện thoại mới là CMF Phone 2 Pro và Motorola Edge 60, tôi mới nhận ra: CMF Phone 2 Pro là một chiếc điện thoại cực rẻ giá 280 USD (khoảng 7 triệu) và nó có dung lượng lưu trữ "GẤP ĐÔI" iPhone của tôi. Nghe cứ thấy sai sai thế nào.
Sau đó, tôi mau mắn kiểm tra thông số kỹ thuật của Motorola Edge 60. Và bạn biết không, chiếc điện thoại 400 USD (10 triệu) đó có bộ nhớ 512GB!

CMF Phone 2 Pro.
Tôi không chỉ giận dữ mà đột nhiên cảm thấy bị qua mặt khi chiếc iPhone 1.000 USD của mình chẳng khác gì một gói snack, mở ra thì đến 85% là không khí.
Nhìn theo cách này thì giá điện thoại cao cấp trông giống như một trò lừa đảo.
Tất nhiên, điều đó chẳng có vẻ gì là bất hợp pháp khi các nhà sản xuất điện thoại quá thông minh trong cách làm của họ. Về mặt kỹ thuật, chúng ta nhận được chính xác những gì được quảng cáo và giá cả minh bạch, vì vậy bạn chẳng có cơ sở để kiện ai.
Nhưng khi biết rằng giá chênh lệch thực tế giữa bộ nhớ 128GB và 512GB ngoài đời chỉ khoảng 10 USD (hơn 200 nghìn) và bạn được yêu cầu trả đến 250 USD (hơn 6 triệu) cho việc nâng cấp dung lượng lưu trữ tương ứng trên một chiếc điện thoại thì kiểu kiếm lời này có vẻ không hợp pháp.
Còn nhớ Liên minh châu Âu cấm cáp Lightning (buộc Apple phải chuyển sang dùng cổng USB-C thông dụng hơn) và tất cả người dùng đều hoan nghênh điều đó. Giờ đây, có lẽ chúng ta sẽ mong muốn một điều tương tự đối với các công ty kiếm tiền từ bán dung lượng lưu trữ.
Muốn dung lượng cao thì mua máy giá rẻ đi?
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là vậy thì cứ mua điện thoại giá rẻ đi để có dung lượng lưu trữ nhiều?
Thành thật mà nói, tôi ước gì chúng ta có thể làm được.
Các nhà sản xuất điện thoại đã thực hiện một tính toán thông minh khiến điều này trở nên không thể.
Bạn thấy đấy, các nhà sản xuất điện thoại biết rõ lý do khiến mọi người mua điện thoại đắt tiền và họ bảo vệ tính năng cao cấp đó rất cẩn thận, không để nó xuất hiện trên các thiết bị rẻ hơn. Thứ đó chính là camera.

Hãy nhìn vào tất cả các điện thoại giá rẻ xung quanh bạn, bạn có nhận thấy điểm chung không? Không có điện thoại nào có camera tốt.
Ngoài ra, hầu như không có điện thoại giá rẻ nào có camera tele. Không phải ngẫu nhiên. Một lần nữa, camera tele cũng không phải là một thành phần đắt tiền đến nỗi không thể có trên máy bình dân.
Về cơ bản, giữ lại một số tính năng độc quyền cho phép các flagship luôn nổi bật, bất kể giá thành của chúng. Bạn muốn camera tốt? Hãy mua một chiếc flagship cao cấp. Bạn muốn một camera tele? Hãy chi ít nhất 1.000 USD.
Và khi đã không còn gì để lấy thêm tiền từ người dùng, các công ty "tối đa hóa lợi nhuận" một lần nữa bằng dung lượng lưu trữ.
Vì vậy, khi có camera tốt rồi, bạn đột nhiên thấy dung lượng quá ít. Một sự khan hiếm cố tình tạo ra để vắt kiệt nhiều hơn nữa từ những người dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.
Chúng ta biết rằng từ ưa thích của Tổng thống Donald Trump là "thuế quan", nhưng tôi cá là các CEO của các hãng sản xuất điện thoại thích "tối đa hóa lợi nhuận" hơn.
Chúng ta lẽ ra có thể có một chiếc điện thoại có camera hoàn hảo với giá dưới 500 USD trong nhiều thập kỷ nay. Nhưng thay vì giá điện thoại giảm xuống mức hợp lý, chúng ta thấy tất cả các công ty đều làm theo cách trên nhằm bảo toàn lợi nhuận, tối đa hóa lợi nhuận và tính tiền khách hàng cao hơn một chút mỗi năm.