Ngay cả trước khi mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump đe dọa làm đảo lộn hoạt động sản xuất của Apple tại Trung Quốc, cuộc đấu tranh của công ty trong việc tạo ra các sản phẩm mới đã khiến một số người tự hỏi liệu gã khổng lồ này có đang “mất đi phép thuật”?
Thuế quan, được áp dụng vào ngày 2 tháng 4, đã khiến Apple mất 773 tỷ USD vốn hóa thị trường trong 4 ngày, thậm chí hiện tạm mất vị thế là công ty đại chúng giá trị nhất thế giới. Phía các nhà đầu tư bắt đầu chán ghét công ty này và vô hình chung đẩy giá cổ phiếu giảm 8% chỉ sau 4 tháng đầu năm, gấp đôi mức giảm của rổ chỉ số S&P 500.
Apple đã hy vọng vực dậy vận may của mình trong năm qua với phiên bản kính thực tế ảo Vision Pro và một hệ thống trí tuệ nhân tạo có tên Apple Intelligence. Tuy nhiên, doanh số thực tế lại gây thất vọng, trong khi các tính năng đặc trưng của hệ thống A.I. không hoạt động tốt như mong đợi.
Sự đổi mới, từng được coi là yếu tố cơ bản của thương hiệu, đã trở thành gánh nặng, gây ra sự lo lắng tột độ trong đội ngũ nhân viên và khách hàng trung thành. Họ lo ngại rằng Apple, bất chấp nhiều năm đạt được lợi nhuận, đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, xu hướng thắt chặt chi tiêu và cạn kiệt nhân tài.
Hiện tại, kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể khiến người dân không muốn mua iPhone. Hầu hết iPhone được bán ở Mỹ đều được sản xuất tại Trung Quốc, vậy nên theo một số ước tính, iPhone 16 rẻ nhất có thể có giá lên tới 1.142 USD. iPhone 16 Pro Max có thể có giá 2.300 USD.
Francisco Jeronimo, phó chủ tịch phụ trách dữ liệu và phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC ở London, chia sẻ với Rest of World rằng: “Việc sở hữu một chiếc iPhone ngày nay không còn là biểu tượng địa vị như cách đây 5 đến 10 năm nữa. Apple đang tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc về tính năng sáng tạo. Mọi người đang chuyển sang các thiết bị đặc biệt hơn, như điện thoại có thể gập lại của Huawei.
1,5 tỷ người dùng iPhone trên toàn cầu đang dần mất động lực mua mới và điều này khiến doanh số bán hàng của Apple không còn bùng nổ như trước đây. Khi iPhone ngừng hoạt động, họ sẽ mua một chiếc khác, có hoặc không có AI.
Dĩ nhiên, nhà sản xuất iPhone sẽ không lụi tàn nhanh chóng nhờ 1,5 tỷ người dùng nói trên, song nhiều dấu hiệu cho thấy Apple đã không còn là hãng có thể tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ như trong lịch sử.
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi Apple phát hành Apple Watch và AirPods. Các dịch vụ như Apple TV+ và Fitness+, ra mắt vào năm 2019, vẫn tụt hậu so với nhiều đối thủ. Một nửa doanh số hiện vẫn đến từ iPhone - sản phẩm đã 18 năm tuổi được nâng cấp hàng năm.
Trong khi doanh số bán Vision Pro không như mong đợi, các vấn đề của Apple với Apple Intelligence càng phơi bày những rắc rối bên trong tổ chức. Trong một bài thuyết trình video dài gần 2 giờ vào mùa hè năm ngoái, Apple trình diễn cách sản phẩm A.I. và cung cấp các công cụ viết cải thiện email và tin nhắn. Hãng cũng tiết lộ một trợ lý ảo Siri được cải tiến, có thể kết hợp thông tin trên điện thoại, như tin nhắn về hành trình du lịch với thông tin trên web, thời gian đến của chuyến bay.

Các tính năng A.I. không khả dụng khi iPhone mới được xuất xưởng. Tóm tắt thông báo trình bày sai các bản tin, khiến Apple phải tắt tính năng. Công ty cũng đã hoãn việc phát hành Siri vào mùa xuân vì thử nghiệm nội bộ phát hiện ra rằng chúng không chính xác.
“Apple cần hiểu chuyện gì đã xảy ra vì điều này rất nghiêm trọng”, Michael Gartenberg, một nhà phân tích công nghệ trước đây từng làm việc với tư cách nhà tiếp thị sản phẩm tại Apple, cho biết. “Nếu có ví dụ nào về việc hứa hẹn quá mức và không thực hiện được thì đó chính là Apple Intelligence”.
Sự cố AI đã diễn ra vào đầu năm 2023. Ông Giannandrea, người giám sát nỗ lực này, đã tìm kiếm sự chấp thuận từ giám đốc điều hành Tim Cook để mua thêm chip AI., được gọi là bộ xử lý đồ họa hoặc GPU. Các chip này, có thể thực hiện hàng trăm phép tính cùng một lúc, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới nơ-ron các hệ thống AI giống như chatbot, có thể trả lời các câu hỏi hoặc viết mã phần mềm.
Vào thời điểm đó, các trung tâm dữ liệu của Apple có khoảng 50.000 GPU đã hơn 5 năm tuổi — ít hơn nhiều so với hàng trăm nghìn con chip được các công ty hàng đầu về AI như Microsoft, Amazon, Google và Meta mua vào thời điểm đó. Tim Cook chấp thuận kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách chip, song giám đốc tài chính của Apple, Luca Maestri, lại giảm xuống còn chưa đến một nửa.
Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo tại hai nhóm phần mềm của Apple đang đấu tranh xem ai sẽ dẫn đầu việc triển khai Siri. Robby Walker, người giám sát Siri, và Sebastien Marineau-Mes, một giám đốc điều hành cấp cao của nhóm phần mềm, đã trao đổi căng thẳng xem ai sẽ chịu trách nhiệm cho dự án này.
Cuộc đấu đá nội bộ diễn ra sau một cuộc di cư lớn các tài năng. Vào năm 2019, Jony Ive, nhà thiết kế chính của công ty, đã rời đi để thành lập công ty thiết kế riêng, đồng thời lôi kéo hơn một chục nhà thiết kế và kỹ sư cốt cán. Dan Riccio, người đứng đầu bộ phận thiết kế sản phẩm lâu năm của công ty, cũng đã nghỉ hưu vào năm ngoái.
Hiện Apple chỉ còn lại những nhà lãnh đạo cũ với ít kinh nghiệm phát triển sản phẩm. Ông Giannandrea, người gia nhập công ty vào năm 2019 từ Google, chưa bao giờ chỉ đạo việc ra mắt một sản phẩm nổi bật như Siri cải tiến. Federighi, người đồng cấp giám sát phần mề, cũng chưa bao giờ chỉ đạo việc tạo ra một hệ điều hành mới như một số người tiền nhiệm.
Benedict Evans, một nhà phân tích độc lập, cho biết: “Rõ ràng đây là sự sụp đổ của khả năng lãnh đạo, giao tiếp và các quy trình nội bộ”.
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo của Apple không nghĩ rằng sự chậm trễ là vấn đề vì chưa có đối thủ nào, chẳng hạn như Google và Meta, tìm ra AI. Họ tin rằng vẫn còn thời gian để đi đúng hướng.
Theo: The NY Times