Trưa ngày thứ Tư ngày 24 tháng 5 vừa qua, giá điện trung bình trong ngày tại Phần Lan vừa rớt xuống mức âm do nguồn cung quá dồi dào, trong khi nhiều quốc gia khác của châu Âu vẫn đang loay hoay với khủng hoảng năng lượng.
Jukka Ruusunen, CEO công ty cấp phát điện Fingrid của Phần Lan cho biết: ‘Hiện tại lượng điện sản xuất ra rất dồi dào mà mức khí thải lại gần như bằng không. Người dân có thể dùng điện thoải mái’.
Từ thiếu đến thừa chỉ trong vài tháng
Chỉ mới mùa đông năm 2022, người Phần Lan hãy còn phải nghĩ trước nghĩ sau khi sử dụng điện, không biết phải lấy thêm điện từ nguồn nào cho đủ dùng. Giờ đây, nỗi băn khoăn duy nhất của họ lại là làm sao để kìm lại việc sản xuất điện.
Trong tháng 4 vừa qua, nhà máy điện hạt nhân mới tại Phần Lan mang tên Olkiluoto 3 đã chính thức đi vào hoạt động, cung cấp một nguồn năng lượng mới đáng kể cho 5,5 triệu người dân Phần Lan, khiến giá điện giảm tới 75% (245,98 EUR/Megawatt-giờ từ tháng 12/2022 xuống còn 60,55 EUR/Megawatt-giờ trong tháng 4/2023) . Đây là nhà máy điện hạt nhân mới mở đầu tiên của cả châu Âu trong vòng hơn 15 năm qua.
Nhằm mục tiêu đạt mức trung hòa carbon trước năm 2035, Phần Lan cũng đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo, trong đó đến năm 2027, điện gió sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ đạo.
Ngoài 2 yếu tố trên, đợt lũ trong mùa xuân vừa qua ở một số nước Bắc Âu cũng khiến giá điện giảm mạnh. Băng tuyết tan quá nhanh khiến các nhà máy thủy điện Phần Lan buộc phải hoạt động quá mức, xảy ra tình trạng thừa mứa sản lượng
CEO của Fingrid cho biết: 'Trong đợt lũ mùa xuân, khả năng điều tiết của các nhà máy thủy điện rất kém vì lượng nước quá lớn, không thể sản xuất chậm hơn mà cũng không thể dừng lại'.
Cái gì quá cũng không tốt
Cứ tưởng người dân có thể dùng điện thoải mái là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, giá thành rẻ hơn cả chi phí sản xuất khiến các nhà máy điện không có lãi và không thể duy trì hoạt động bình thường.
Cũng vì các nhà máy thủy điện không thể tự điều tiết do lũ, các nhà sản xuất tại Phần Lan đang chú ý nhiều hơn đến những giải pháp như điện hạt nhân, điện gió để tránh lỗ.
Tham khảo từ: Business Insider