Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt

Vân Anh | 00:04 31/03/2022

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt
Sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa đã được nâng cao hơn.

Người tiêu dùng Việt đã quan tâm nhiều đến sản phẩm nội địa

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 song Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục được triển khai rộng rãi từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, trong đó đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới.

Thực hiện Chỉ thị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã đề ra và chỉ đạo nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người dân, từ đó góp phần giúp thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa được nâng cao.

Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chủ động tận dụng thời điểm khó khăn của thị trường để chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã thể hiện được uy tín và chiếm lĩnh thị phần nội địa và xuất khẩu đi nước ngoài. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thay đổi về nhận thức và hưởng ứng tích cực trong sử dụng hàng Việt, tuy nhiên chúng ta phải đối mặt với một số hạn chế như quy mô các cơ sở bán lẻ của người Việt còn nhỏ, hệ thống hàng hóa phân phối trong hệ thống còn ít, một số sản phẩm của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới,…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 92.984 cuộc tuyên truyền với 4.097.471 lượt người tham dự, tổ chức được 598 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 7.995 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng được 812 mô hình "Tự hào hàng Việt"; "Câu lạc bộ hàng Việt"; "Điểm bán hàng Việt"; "Nhận diện hàng Việt"; "Gian hàng bình ổn giá"…

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các tỉnh, thành phố đã có nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, chương trình tuyên truyền phong phú, nội dung đổi mới, chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay như: "Câu lạc bộ hàng Việt", "Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Bình Thuận); "Nông sản Hải Phòng hướng tới người tiêu dùng Việt"; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về cuộc vận động (Bình Dương)…

Ứng dụng chuyển đổi số trong việc triển khai vận động 

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, năm 2022, bên cạnh các điều kiện thuận lợi, thách thức từ biến động của tình hình khu vực và thế giới, đặc biệt là dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Cùng với đó, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại có thể bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc vận động không chỉ còn là kêu gọi người dân phát huy lòng yêu nước, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước mà phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Chỉ khi những doanh nghiệp tự đứng vững được trên đôi chân của mình mới sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý đủ sức cạnh tranh chinh phục được người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Thành Thống

Để cuộc vận động được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong năm 2022, đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố rà soát lại những nhiệm vụ đã được giao, các nội dung cần triển khai thực hiện để hoàn thiện, bổ sung vào kế hoạch công tác năm 2022.

“Ban Chỉ đạo cần quan tâm tới quá trình ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai Cuộc vận động; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng Việt; tăng cường các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, nâng cao vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo trong kiểm tra triển khai cuộc vận động của từng địa phương…”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Ông Chiến lưu ý thêm, các chương trình tuyên dương, biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn các sản phẩm chất lượng tại mỗi địa phương cần được tổ chức nhiều hơn nữa để tạo sức lan tỏa cho cuộc vận động, qua đó tạo động lực, môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Trong năm 2022 phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong triển khai Cuộc vận động nhất là chính sách đặt hàng mua sắm công và hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp. Song song với đó cần kết hợp truyền thông số với nền tảng số để tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng Việt.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO