VN-Index tiếp đà hồi phục, tiến sát mốc 1.290 điểm
Tuần qua, thị trường chứng khoán ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ với 4/5 phiên tăng điểm, chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm.
Kết phiên 11/10, chỉ số VN-Index tăng 2,03 điểm, lên 1.288,39 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 0,08 điểm, lên 231,37 điểm. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,03 điểm, lên 92,6 điểm.
Thanh khoản trên thị trường đột ngột xuống thấp, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 14.750 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt 13.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu FDC của FIDECO gây chú ý trong tuần qua khi liên tục rung lắc mạnh. Kết phiên 11/10, cổ phiếu FDC là cổ phiếu giảm sàn duy nhất trên sàn HoSE, khi giảm 6,73% xuống 15.950 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh chỉ đạt vỏn vẹn 100 đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu FDC có đà điều chỉnh tăng mạnh về giá, với 6/10 phiên tăng điểm gần nhất (gồm 4 phiên tăng trần), thị giá tăng 26,6%, tương ứng tăng 3.350 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm tại đây
FPT lần thứ 35 vượt đỉnh từ đầu năm, vốn hóa tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam vượt 200.000 tỷ
Từ đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên trên 200.000 tỷ, chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV và ACV trên sàn chứng khoán.
Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu FPT bất ngờ tăng tốc ngoạn mục phiên 10/10. Cổ phiếu này tăng gần 4% lên trên 140.000 đồng/cp với giao dịch rất sôi động. Đây là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết. Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh, một con số vô tiền khoáng hậu.
So với thời điểm đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 205.000 tỷ đồng (~8,4 tỷ USD). Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.
Xem thêm tại đây
Cổ phiếu Masan vừa ghi nhận điều chưa từng có trong lịch sử
Giữa lúc chứng khoán Việt Nam khởi sắc, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan bất ngờ tăng mạnh 3,9% trong phiên 10/10, tiến lên mốc 80.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong vòng 7 tháng qua, vốn hóa thị trường của MSN theo đó tăng lên gần 115.100 tỷ đồng (~4,6 tỷ USD).
Không những tăng giá tích cực, thanh khoản trên cổ phiếu này cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh ghi nhận gần 20 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 1.580 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.
Thậm chí, khối lượng cổ phiếu MSN được “sang tay” trong phiên hôm nay còn cao gấp 5 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất.
Xem thêm tại đây
Kịch bản nào cho VN-Index trong tháng 10/2024?
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) trong báo cáo mới đây nhận định tháng 9/2024 tiếp tục cho thấy vùng kháng cự 1.300 điểm đang là vùng kháng cự cứng của thị trường mà VN-Index liên tục gặp khó.
Sang tháng 10/2024, dựa trên quan sát các chỉ báo kĩ thuật, nhóm phân tích đưa ra 2 kịch bản cho thị trường:
Kịch bản tích cực: VN-Index vượt lên 1.300 điểm, bắt đầu xu thế tăng mới (khả năng xảy ra: 70%). Kịch bản này xảy ra khi lực mua tham gia tích cực, kéo thanh khoản lên cao và khiến các chỉ báo như MACD và RSI vượt lên điểm số vùng đỉnh cũ, xác nhận một xu thế tăng mới.
Kịch bản này VN-Index rất cần thanh khoản bùng nổ cao hơn ngưỡng 25 nghìn tỷ trong phiên cùng điểm số vượt qua mốc kháng cự. Vùng giá mà VN-Index có thể tìm đến là ngưỡng 1.340 điểm (tương ứng với mức 1 của Fibonancci mở rộng).
Kịch bản trung tính: VN-Index điều chỉnh ở vùng 1.220 điểm và tìm kiếm lực tăng (khả năng xảy ra: 30%). Ở kịch bản này, thị trường sẽ gặp khó khăn trước ngưỡng kháng cự 1.300 điểm khiến các chỉ báo như MACD và RSI rơi vào tình trạng phân kỳ. Khả năng cao việc điều chỉnh sẽ xảy ra ngay sau đó, nhưng xét về xu hướng trung và dài hạn, VN-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vùng giá VN-Index có thể điều chỉnh về ở 2 vùng là 1.260 và 1.280 điểm (tương ứng mức Fibonacci thoái lui ngưỡng 0,618 và 0,382).
Xem thêm tại đây