Sau tuần cuối quý 1 khả quan, thị trường chứng khoán tuần đầu tháng 4 ghi nhận đà tăng có phần chững lại. Đà bứt phá của VN-Index đã kết thúc sau chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp khi nhà đầu tư liên tục chốt lời trong ngắn hạn ở các phiên cuối tuần.
Chỉ số VN-Index thậm chí quay đầu giảm 2 phiên cuối tuần dưới áp lực điều chỉnh cho thấy tâm lý dần trở nên thận trọng hơn.Tổng cộng sau 5 phiên giao dịch, VN-Index chỉ tăng 5,07 điểm (0,48%) và đóng cửa tại 1.069,71 điểm.
Thanh khoản là điểm sáng, cải thiện với giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 29% so với tuần trước đó, lên 67.152,4 tỷ đồng, khối lượng giao dịch cũng tăng 38,23%, lên gần 4.064 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, tại sàn HNX, chỉ số HNX-Index có 1 phiên giảm điểm duy nhất ngày 6/4 và 4 phiên tăng. Tổng cộng cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 4,1 điểm (+1,98%) lên 211,6 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX cũng cải thiện tích cực với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch đều tăng hơn 62% so với tuần trước, tương ứng đạt 582,4 triệu đơn vị, giá trị 8.210 tỷ đồng.
Thị trường trong nước có phần hụt hơi, thì giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm trừ. Tuần này khối ngoại đã quay đầu bán ròng 783 tỷ đồng.
Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng STB (Sacombank) bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này với giá trị hơn 420 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mã khác như VND, VNM hay SSI cũng bị bán ròng trong tuần qua, giá trị đều trên 100 tỷ đồng tại mỗi mã.
Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu VIC (Vingroup) và HPG (Hoà Phát ) với giá trị trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng loạt cổ phiếu ngân hàng như HDB, VPB, CTG,…
Xét theo mức độ đóng góp, VCB -1.53%, BID -1,19%, VHM -1,59% là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VCB đã lấy đi hơn 1,4 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, GVR +2,58%, SSI +4,65% hay HPG +1,92% là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
Vì đa phần các cổ phiếu trụ có vốn hóa lớn trong tuần qua giao dịch tiêu cực đều tập trung tại nhóm ngân hàng cùng bất động sản. Hai nhóm này từ vị trí dẫn dắt thị trường, tuần này đã dần suy yếu khi các chủ lực liên tục đứng trong Top ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chính.
Nhường chỗ nhóm cổ phiếu Chứng khoán có phiên giao dịch khá tích cực. Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2023 sẽ tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả. Điều này ảnh hưởng tích cực đến kỳ vọng của nhà đầu tư khi cổ phiếu APS, BSI, FTS và VDS tăng kịch trần và các mã vốn hóa lớn khác trong ngành như VCI, SSI, VND, HCM đều nhuộm sắc xanh.
Ở chiều ngược lại, nông - lâm - ngư là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi các cổ phiếu đầu ngành như VIF, SJF điều chỉnh mạnh nhất, các mã khác đều chìm trong sắc đỏ và nằm ở mức tham chiếu trong phiên giao dịch ngày 07/04.