Thận trọng là màu sắc chủ đạo trong bức tranh kế hoạch kinh doanh 2023 của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát và lãi suất, nhiều doanh nghiệp cũng dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 “đi lùi”, thậm chí thua lỗ.
Theo thống kê của FiinTrade (tính đến 2/4), trong 247 doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 có đến 40% doanh nghiệp dự kiến lỗ hoặc giảm lợi nhuận. Trong bức tranh chung không mấy sáng sủa vẫn xuất hiện một vài điểm sáng, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi kỷ lục
Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty Cổ phần FPT (mã FPT) vẫn rất lạc quan về khả năng tăng trưởng trong năm 2023. Mục tiêu doanh thu năm 2023 của FPT là 52.289 tỷ đồng, tăng 18,8% và lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022. Nếu hoàn thành mục tiêu, FPT sẽ phá vỡ kết quả kinh doanh kỷ lục đã được thiết lập trong năm 2022.
Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã TIP) nhận diện những khó khăn từ nền kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2023. Bởi các doanh nghiệp gỗ và may mặc (hai lĩnh vực chủ yếu trong KCN Tam Phước) đều trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, làm giảm các khoản doanh thu dịch vụ của Tín Nghĩa.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tự tin lên kế hoạch doanh thu đạt 368 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 62% so với mức thực hiện năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn.
CTCP Traphaco (mã TRA) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp dược này đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,4% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 326 tỷ đồng, tăng 11,2% so với mức thực hiện năm 2022. Về chia cổ tức, doanh nghiệp phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền mặt.
Để thực hiện mục tiêu này, HĐQT và ban điều hành lên kế hoạch triển khai chia tách đông dược và ngoài đông dược. Đối với kênh ETC, Traphaco lên kế hoạch doanh thu tăng hơn 17% so với kết quả năm 2022, trong bối cảnh các bệnh viện công vẫn khó khăn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu. Công ty đặt mục tiêu bảo vệ thị phần hiện tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đối với hàng chủ lực.
Ngoài ra, Traphaco cũng sẽ tận dụng cơ hội tăng trưởng, đầu tư phát triển các sản phẩm mới, đưa vào sản xuất và ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm. Mục tiêu doanh số sản phẩm mới triển khai trong năm 2023 khoảng 36 tỷ đồng, doanh số các sản phẩm mới triển khai thị trường từ năm 2021 khoảng 170 tỷ đồng.
Dù không đặt mục tiêu tăng trưởng quá mạnh, song CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng kỳ vọng chinh phục đỉnh lợi nhuận mới trong năm 2023. PNJ đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 35.598 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.937 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hoạt động của PNJ. Bên cạnh đó, công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 20%.
Về hoạt động đầu tư năm 2023, PNJ định hướng tập trung vào 3 mảng chính, nâng cấp, mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại (tiếp tục mở thêm 20-25 cửa hàng); đầu tư các dự án công nghệ thông tin; nâng cao năng lực và đổi mới công nghệ sản xuất.
Loạt doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận “tăng bằng lần”
Tiêu biểu là “anh cả” trong ngành xây dựng CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất tăng 12% lên mức 16.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 233 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận tăng đột biến này chủ yếu do so với mức nền thấp năm 2022 - thời điểm công ty thực hiện trích lập và kéo lãi về mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá HĐQT Coteccons, hiện doanh nghiệp đã hoàn tất cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước được xử lý. Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.
Đồng thời, cơ sở cho kế hoạch năm nay còn đến từ giá trị back-log để lại cho 2023 là 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm nhà máy sản xuất LEGO và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành.
Dù đánh giá năm 2023 vẫn sẽ là một năm tiếp tục khó khăn khi tình hình thiếu đơn hàng kéo dài, song dựa trên kết quả đã đạt được trong năm 2022 cùng với nỗ lực cải tiến trong sản xuất của các nhà máy, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) vẫn đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 15,8 lần so với mức thực hiện trong năm 2022.
Để thực hiện được kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong điều kiện nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, Gỗ Trường Thành cho biết sẽ tiếp tục phát triển dự án cho các nhà BĐS trong nước và quốc tế để đa dạng hoá tệp khách hàng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel,… ở nhiều ngành hàng để tăng doanh thu, giá trị đơn hàng để từng bước đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Tương tự, CTCP Tasco (mã HUT) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu là 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt gấp 21 và gấp 4,1 lần kết quả năm 2022. Kế hoạch này đã bao gồm kế hoạch hợp nhất SVC Holdings trong năm 2023.
Năm 2023, Tasco cho biết sẽ hoàn thành thủ tục để sở hữu SVC Holdings và hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới (xe sang và xe điện) để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.
Với những chính sách được Chính phủ ủng hộ thích hợp với xu thế phát triển của xã hội cùng thế mạnh có sẵn trong lĩnh vực phát triển Nhà ở xã hội, CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã HQC) cũng đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng vượt bậc, gấp lần lượt 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022, dự kiến đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lãi sau thuế.