"Vắng bóng" nhà thầu nghìn tỷ
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đại diện VACC, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích, trước thời kỳ 1995, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chủ yếu là các công ty vốn nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong thi công xây dựng các công trình trọng điểm ở Trung ương và địa phương, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hoá đất nước. Còn lực lượng xây dựng ngoài quốc doanh thì hoạt động theo quy mô nhỏ dạng hợp tác xã.
Về cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng cũng bắt đầu hình thành từ giai đoạn này và ngày càng hoàn thiện (Nghị định 232/1981/HĐBT, 385/1990/HĐBT về Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản...). Với định hướng phát triển và hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp xây dựng đã có bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, từ năm 1996 đến nay, cùng với sự chuyển đổi từ mô hình quản lý kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN nên hàng loạt những cơ chế chính sách, quy định pháp luật có thay đổi. Riêng ngành xây dựng, quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp xây dựng diễn ra rất khẩn trương.
Từ chỗ chủ lực trong ngành xây dựng là các Tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Sông Đà, các Tổng công ty Cienco, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tổng công ty cầu Thăng Long... Sau cổ phần hoá các tổng công ty này phần lớn suy yếu không còn giữ được vai trò chủ đạo trong ngành xây dựng, thậm chí một số đã giải thể và đồng thời hình thành các công ty xây dựng là các Công ty TNHH, công ty cổ phần và kể cả sự có mặt của các công ty xây dựng nước ngoài. Các công ty này lớn mạnh vượt xa các tổng công ty nhà nước trước đây cả về doanh thu, thị phân, công nghệ và trình độ quản lý.
Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp xây dựng vốn ngoài Nhà nước gắn chặt với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và tăng trưởng đầu tư tư nhân trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế.
Nhiều tên tuổi lớn trong các doanh nghiệp xây dựng là các công ty TNHH, công ty cổ phần xuất hiện như: Coteccons, Delta, Hoà Bình, Ricons, Đèo Cả... Có những công ty đạt đến doanh số 27.000 tỷ đồng/năm và đảm đương được những công trình quy mô tầm cỡ quốc tế về công nghệ và biện pháp thi công cũng như trình độ quản lý. Tuy nhiên nhìn tổng thể đặc điểm chung của các doanh nghiệp xây dựng là vốn quy mô nhỏ.
Theo ước tính cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp xây dựng thì trên 90% doanh nghiệp xây dựng dăng ký vốn hoạt động dưới 100 tỷ đồng, số doanh nghiệp xây dựng có vốn 1.000 tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là một hạn chế rất lớn của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam để tiếp cận được với công nghệ hiện đại cũng như khả năng về đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc điểm thứ hai của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam là 75% nguồn nhân lực của ngành không qua các trường lớp đào tạo mà là từ lực lượng “lao động nông nhàn có tính thời vụ".
"Gian nan" cảnh nhà thầu bị... chiếm dụng vốn
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, về mặt cơ chế, hành lang pháp lý hiện tại đã có những thay đổi lớn do hệ thống luật pháp được bổ sung, chỉnh sửa như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp... hướng tới một thị trường cạnh tranh sòng phẳng minh bạch khác với cách làm của thời kỳ trước.
Tuy nhiên, với đặc điểm môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng có sự chuyển đổi từ cơ chế đặt hàng theo kế hoạch của Nhà nước với các doanh nghiệp vốn Nhà nước theo cơ chế giao thầu theo đơn giá Nhà nước sang môi trường cạnh tranh theo phương thức đấu thầu cạnh tranh.
Về chủ đầu tư cũng thay đổi từ chỗ thuần tuý là vốn Nhà nước đến nay đã hình thành hai dòng vốn song song: Vốn nhà nước (Vốn ngân sách và vốn nguồn ngân sách) nhưng đại diện Chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước.
Vốn tư nhân là các công ty TNHH, công ty cổ phần đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khác nhau, lượng vốn đầu tư tư nhân này hiện chiếm khoảng 48% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đóng góp 50% GDP và giải quyết được 80% công ăn việc làm cho toàn xã hội.
Mặc dù đã phân hoá thành hai dòng vốn khác nhau, tính chất sở hữu khác nhau nhưng một tồn tại rất lớn là hành lang pháp lý, cơ chế áp dụng lại không khác nhau từ mẫu hợp đồng, quan hệ trách nhiệm, nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và nhà thầu đều áp dụng giống nhau.
Ví dụ, cơ chế bảo lãnh trong hợp đồng xây dựng giữa Chủ đầu tư nhà nước và nhà thầu xây dựng gồm: Bảo lãnh đấu thầu (khi dự thầu); Bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu trúng b thầu); Bảo lãnh tạm ứng (khi bắt đầu nhận tạm ứng); Bảo lãnh bảo hành (khi xong công trình) là 4 bảo lãnh nhà thầu phải thực hiện với chủ đầu tư, trong khi theo chiều ngược lại chủ đầu tư không có bất cứ bảo lãnh gì về khả năng thanh toán, khả năng tài chính chứng minh cho nhà thầu là mình có đủ năng lực tài chính hoặc có ràng buộc trách nhiệm về công tác thanh toán.
Có thể trước đây vì chủ đầu tư là nhà nước nên khía cạnh này các văn pháp luật đều bỏ qua nhưng hiện tại các chủ đầu tư tư nhân chiếm đến 48% tổng mức đầu tư toàn xã hội nhưng cơ chế chế vẫn thiếu minh bạch, bình đẳng.
Các chủ đầu tư tư nhân tìm cách áp dụng tất cả các cơ chế lâu nay chỉ áp dụng cho chủ đầu tư là vốn nhà nước nhưng việc thực thi chỉ có khoảng 30%-40% áp dụng nghiêm túc sòng phẳng còn lại đều tìm cách "lách" qua các kẽ luật pháp để né tránh trách nhiệm.
Từ tình trạng đặc thù của các văn bản pháp lý như vậy nên các nhà thầu xây dựng đại đa số đều lâm vào cảnh công nợ, bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn.
Xin nêu hai ví dụ cụ thể: Tại công trình toà nhà Artemis ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội (Chủ đầu tư là công ty MHL, nhà thầu chính là công ty Delta), tổng giá trị hợp đồng xây dựng là 403 tỷ đồng làm xong từ năm 2017 nhưng hiện chủ đầu tư vẫn nợ, thậm chí kiếm cớ không thanh toán là 63 tỷ đồng mà xử lý hoà giải trọng tài kinh tế không được và từ 2011 đã khởi kiện dân sự ở Toà án quận Thanh Xuân cũng chưa giải quyết được.
Hay công ty Hoà Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh là một công ty top 10 của ngành xây dựng. Với doanh thu năm 2018 cũng đạt tới 21.000 tỷ đồng, tuy nhiên do bị các Chủ đầu tư nợ quá lớn: đến 31/12/2023 nợ phải thu của Hoà Bình là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản) trong đó nợ khó đòi là 2.476 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là 15.156 tỷ đồng.
Với bức tranh tài chính như vậy, sức khoẻ của doanh nghiệp là tín hiệu cấp cứu khẩn cấp. Đây chỉ là hai ví dụ về tình trạng bị chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp xây dựng.
Hoặc như, loại hình kinh doanh phải bỏ vốn ra mua vật liệu làm trước, thu tiền sau nên nếu các Chủ đầu tư không có trách nhiệm, không nghiêm túc trong việc thanh toán thì các nhà thầu không thể tồn tại được, vì tiền vốn thì không thu được nhưng vẫn phải còng lưng trả lãi ngân hàng, trả nhà cung cấp vật tư, lãi mẹ đẻ lãi con, nên dẫn đến bức tranh tài chính như Công ty Hoà Bình của ông Lê Viết Hải.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vốn nhỏ càng khó tồn tại, chính vì thế nên hiện nay gần như doanh nghiệp xây dựng nào cũng bị nợ đọng, chỉ ít hoặc nhiều. Vì vậy Hiệp hội đánh giá nếu cơ chế này không sớm thay đổi thì sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng nào có thể tồn tại chứ chưa nói đến phát triển.
Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông đang tiến hành điều chỉnh khoảng trên 300 định mức, đơn giá
Hiện nay trên thị trường xây dựng vẫn tồn tại hai giá: giá Nhà nước (thể hiện qua hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành) và Giá thị trường tự do áp dụng cho các công trình vốn đầu tư tư nhân và dầu tư nước ngoài.
Hệ thống đơn giá định mức của chúng ta hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập, đặc biệt đơn giá nhân công.
Vừa qua sau kiến nghị của Hiệp hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng & Bộ Giao thông đang tiến hành điều chỉnh được khoảng trên 300 định mức, đơn giá. Tuy nhiên việc điều chỉnh vẫn rất chậm và còn nhiều bất cập.
Đấu thầu phá giá: Phải chăng "giải khát" bằng thuốc độc?
Có thể nói lĩnh vực bất động sản và xây dựng là 2 ngành liên thông với nhau khi bất động sản khó khăn, vừa ra khỏi khủng hoảng nên ngành xây dựng cũng hết sức “ốm yếu”.
Các doanh nghiệp xây dựng đều "đói việc" ngoại trừ một số doanh nghiệp có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại do bất động sản không có dự án nên xây dựng cũng không có việc (đặc biệt là các công ty chuyên về xây dựng dân dụng).
Từ chỗ đói việc nhưng vẫn phải nuôi một bộ máy, nuôi công nợ nên để có dòng tiền giữ cho doanh nghiệp tồn tại cách mà nhiều nhà thầu đang buộc phải làm hiện nay là cạnh tranh bằng giá. Cứ giảm giá để được nhận thầu mặc dù biết chắc là sẽ lỗ.
“Càng làm càng lỗ" - Đây chính là một tổng kết của các nhà thầu phá giá nhưng đây là một cách cạnh tranh dễ nhất. Từ đó dẫn đến nguy cơ một là công trình bị bớt xén chất lượng hai là các công ty xây dựng tự ăn vào xương thịt mình để tồn tại. Hiện tượng này càng ngày càng phổ biến và Hiệp hội đang kêu gọi các nhà thầu cuộc vận động “Chống phá giá" để giảm nguy cơ tự tiêu vong.
Đặc điểm lớn thứ 2 của các doanh nghiệp xây dựng là 70-75% số lao động của các doanh nghiệp xây dựng là lao động thời vụ, nông nhàn không qua đào tạo. Đây cũng là đặc thù của nền kinh tế Việt Nam chuyển từ một nước nông nghiệp sang kinh tế công nông nghiệp. Do vậy dễ hiện đại hoá ngành xây dựng đáp ứng được sự phát triển chung của nền kinh tế thì công tác đào tạo cần phải có định hướng cụ thể.
Tuy nhiên từ năm 1996 trở đi các trường đào tạo công nhân dùng vốn ngân sách đều dừng đào tạo, trong khi các công ty xây dựng lại có vốn quá nhỏ làm sao lo được công tác đào tạo? Ngay cả các công ty lớn nhất trong ngành xây dựng hiện nay cũng ít công ty đủ khả năng nghĩ được việc đào tạo lực lượng lâu dài thế nào? Chính vì vậy, nguồn lực con người của ngành xây dựng ngày càng kém đi về chất và giảm về lượng.
Hiệp hội nhà thầu "cầu cứu" Thủ tướng
Trước những khó khăn từ cơ chế, nguồn lực, nhân lực, bị chiếm dụng vốn... khiến các nhà thầu hết sức khó khăn, vì thế, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng chế tài đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, cụ thể cần điều chỉnh quan hệ giữa Chủ đầu tư và nhà thầu theo những nguyên tắc bình đẳng cả hai bên phải có trách nhiệm với nhau: nhà thầu bảo lãnh thực hiện hợp đồng với Chủ đầu tư thì ngược lại - Chủ đầu tư cũng phải bảo lãnh thanh toán với nhà thầu. Chủ đầu tư nếu chậm thanh toán phải có cơ chế phạt lãi để bảo vệ nhà thầu.
Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng: Cần từng bước xây dựng cơ chế thống nhất quản lý giá xây dựng, xoá bỏ cơ chế "hai giá" song song (giá nhà nước & giá ngoài nhà nước) tiến tới thống nhất xây dựng các yếu tố đảm bảo thị trường hoá thị trường xây dựng bằng hệ thống suất đầu tư, đơn giá tổng hợp để xác định giá sản phẩm xây dựng như các nước khác đang làm (bãi bỏ hệ thống đơn giá, định mức cổ điển hiện nay).
Về hệ thống trường nghề và công tác đào tạo, Hiệp hội kiến nghị nhà nước nên phục hồi hệ thống các trường nghề nhưng cần cải tiến chương trình đào tạo cho sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cho phép thị trường hóa công tác đào tạo, mở ra liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Về khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp xây dựng với các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu: Do nguồn lực của các doanh nghiệp xây dựng về tài chính quá nhỏ bé nên khả năng tiếp cận vốn, đầu tư trang thiết bị công nghệ rất hạn chế. Lâu nay nguồn vốn tín dụng cho các công ty xây dựng được coi là mảng dịch vụ chứ chưa coi là sản xuất.
"Vì vậy Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng nhà nước để đưa xây dựng vào lĩnh vực sản xuất dược khuyến khích ưu tiên. Đồng thời có cơ chế liên thông giữa Chủ đầu tư - Nhà thầu – Ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu trong công tác vay vốn tín dụng", ông Hiệp nói.
Với vai trò của ngành công nghiệp xây dựng hiện nay đang đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước và tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động đồng thời cũng tạo ra bộ mặt mới cho các đô thị Việt Nam cũng như diện mạo chung cho cả nền kinh tế.
Hiệp hội kính mong Thủ tướng quan tâm cho phép một buổi gặp trực tiếp một số đại diện các nhà thầu ở thời điểm phù hợp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp xây dựng trong những thời điểm khó khăn này nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho một chuyên ngành kinh tế để các doanh nghiệp xây dựng có thể đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.