Chủ tịch SHB: Quyết tâm đặt mục tiêu nợ xấu dưới 2,5%

Dương Trang | 08:41 26/04/2024

Những vấn đề như xử lý nợ xấu, phương án phát hành cổ tức, kế hoạch kinh doanh… được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lý giải tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Chủ tịch SHB: Quyết tâm đặt mục tiêu nợ xấu dưới 2,5%

Chiều ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Kế hoạch lợi nhuận 2024 đạt hơn 11.000 tỷ đồng

Báo cáo tại đại hội, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, bất chấp bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân hàng vẫn hoàn thành nhiều chỉ tiêu trọng yếu mà ĐHĐCĐ đã giao. Theo đó, kết thúc năm 2023, SHB ghi nhận tổng tài sản tăng 16,2%, đạt 630,5 nghìn tỷ đồng. Vốn tự có đạt hơn 70.2 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 9.239 tỷ đồng, giảm 405 tỷ so với năm 2022. Bà Hà cho biết, nguyên nhân lợi nhuận đi xuống là do SHB tăng cường trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng và nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2024 được dự báo còn nhiều thách thức.

Về vốn điều lệ, năm 2023, SHB đã thực hiện thành công việc tăng vốn thêm gần 6.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Thông tin về tiến độ thoái vốn tại công ty tài chính SHB Finance, bà Hà cho biết, ngày 23/5/2023, ngân hàng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn cho Krungsri của Thái Lan.

Báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2024, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 11,2%, đạt 701 nghìn tỷ đồng; trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14% lên 518,5 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 11.286 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Đặt mục tiêu nợ xấu dưới 2,5%

Tại Đại hội, một cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh rất táo bạo và đề nghị Tổng giám đốc Ngô Thu Hà đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu năm nay?

Trả lời nội dung trên, Tổng giám đốc SHB cho biết, ngân hàng đưa ra mục tiêu dựa trên các cơ sở rõ ràng, trong đó, SHB sẽ triển khai mạnh mẽ các sản phẩm phù hợp cho từng phân khúc khách hàng, hoặc chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng bán lẻ.

SHB cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu đóng góp vào lợi nhuận 2024. Ngoài ra, ngân hàng còn có dự án chuyển đổi số để tăng khách hàng, giảm chi phí vốn. Để minh chứng cho tính khả thi kế hoạch 2024, đến tháng 3/2024, lợi nhuận đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu mà Đại hội thông tin, cổ đông SHB đã đặt câu hỏi 2,7% liệu đây có phải mức cao, tại sao không giảm về 2%?

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB lý giải, tình hình quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng năm qua có nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó khăn đương nhiên ảnh hưởng tới ngân hàng. Nợ xấu tăng lên là điều không ai mong muốn nhưng do tình hình chung, chúng ta xác định nợ xấu sẽ tăng, hiện nay là khoảng 2,7%. SHB luôn duy trì kiểm soát tài sản, đảm bảo hoạt động ổn định của ngân hàng, đồng thời khẳng định SHB muốn đưa con số khả thi chứ không muốn đánh bóng.

“Chúng ta vẫn kiểm soát được và đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng SHB vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững”, ông Hiển nói.

Cũng theo Chủ tịch SHB, ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu một cách cao độ, toàn diện. Từ nay đến hết tháng 9, thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, giảm nợ xấu của SHB. “Ngân hàng đặt mục tiêu nợ xấu là 2,7% nhưng ban lãnh đạo quyết tâm là dưới 2,5%”, ông Hiển khẳng định.

Vốn điều lệ tăng hơn 40.000 tỷ đồng

Có cổ đông đặt câu hỏi tại sao HĐQT lại phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức? Điều này có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và lo ngại pha loãng cổ phiếu hay không?

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là tầm nhìn chiến lược trung hạn và dài hạn. Tăng vốn lên cũng góp phần và phục vụ vốn đó, đầu tư kinh doanh, phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng, từ đó giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên phải, ngoài việc phát hành bằng tiền mặt thì ngân hàng phát hành bằng cổ phiếu, song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Về cổ phiếu, ông Hiển cho biết, giá cổ phiếu thấp hay cao thì do nhà đầu tư lựa chọn. Khi đầu tư vào mã cổ phiếu thì phải nghiên cứu về các chỉ số tài chính, các tham số tài chính. Phải đánh giá cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đánh giá cả bản thân sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp. "Cổ đông ai cũng mong muốn giá trị cao nhưng cũng phải tự hào rằng SHB là một cổ phiếu có thanh khoản cao, luôn dẫn đầu thị trường. Với thanh khoản như vậy, nhà đầu tư sẽ tự đánh giá được, điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào SHB là rất lớn", ông Hiển nói.

Tại đại hội, Tổng giám đốc SHB cũng báo cáo với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng. HĐQT SHB thực hiện phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.

Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch SHB: Quyết tâm đặt mục tiêu nợ xấu dưới 2,5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO