Chủ tịch Schneider Electric toàn cầu: 'Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho đầu tư phát triển công nghệ cao'

Hoàng Chi | 10:18 23/01/2025

Ông Jean Pascal Tricoire, chủ tịch Schneider Electric đã bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Chủ tịch Schneider Electric toàn cầu: 'Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho đầu tư phát triển công nghệ cao'

Mới đây, tại Davos, Thụy Sĩ đã diễn ra tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Theo đó, sự kiện thu hút hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, đầu tư, tài chính, bán dẫn, y tế, hạ tầng như Google, Schneider Electric, Hyundai Motor, Qualcomm, Visa, Ericsson... Loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng góp mặt như FPT, Viettel, Vietnam Airlines, VNPT, EVN, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Sovico.

Công nghệ cao Việt Nam: Dọn ổ đón đại bàng

Mở đầu sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ.

Thảo luận sau đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới. 

Ông Jean Pascal Tricoire, chủ tịch Schneider Electric (ở giữa) nhấn mạnh cơ hội phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, ông Jean Pascal Tricoire, chủ tịch Schneider Electric đã bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Trước đó, Schneider Electric đã thành công trong việc thiết lập trung dữ liệu cho các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT, Vinagame.

Lãnh đạo Schneider Electric nhấn mạnh trung tâm dữ liệu phải được trang bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà vẫn đảm bảo tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết hướng đến Net Zero vào năm 2050.

Tại buổi tọa đàm, ông Jean Pascal Tricoire đề cập về mối quan hệ hợp tác với tập đoàn Nvidia thiết kế trung tâm dữ liệu cho phép tăng tốc điện toán nhằm cung cấp trí tuệ số cho mọi công ty và mọi ngành.

Kinh nghiệm trong việc thiết lập trung tâm dữ liệu từ các thị trường hàng đầu thế giới đến các thị trường tiệm cận Việt Nam cho phép Schneider Electric đưa ra các góc nhìn mang tính thực tiễn. Cụ thể, các trung tâm dữ liệu đều được thiết kế, triển khai và vận hành như một hệ thống tối ưu hóa bằng cách trang bị đầy đủ để vận hành Lưới đến Chip (Grid to Chip) và Chip đến hệ thống làm mát (Chip to Chiller).

Tản nhiệt bằng chất lỏng là ứng dụng quan trọng cho các trung tâm dữ liệu ứng dụng AI, Schneider Electric cũng tiến hành ký thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần của Tập đoàn Motivair, góp phần mở rộng danh mục công nghệ làm mát bằng chất lỏng và nâng cao vị thế chuyên gia cung cấp giải pháp làm mát bằng chất lỏng trực tiếp đến chip và giải pháp nhiệt công suất cao của mình.

“Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng về công nghệ cao. Schneider Electric đã trải qua 3 thập kỷ phát triển tại đây. Dấu ấn quan trọng của chúng tôi là đóng góp vào thành công của chuyển đổi số của Việt Nam. Chúng tôi đang cung cấp những công nghệ tiên tiến nhất để tối ưu hiệu suất cho các trung tâm dữ liệu lớn nhất tại đây. Việc hợp tác với Nvidia cho phép kiến tạo các trung tâm dữ liệu của tương lai. Lĩnh vực tiếp theo mà chúng tôi chú trọng là thành phố thông minh dựa trên hạ tầng thông minh.

Schneider Electric đặc biệt tham gia vào các dự án lưới điện và lưới điện thông minh tại Việt Nam. Cuối cùng, khi Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của thế giới, chúng tôi mang đến cho các nhà máy sản xuất và khách hàng công nghiệp các công nghệ số từ phần mềm đến dữ liệu lớn và IoT. Trong tương lai, tập đoàn kỳ vọng đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam”, ông Jean Pascal Tricoire, chủ tịch Schneider Electric chia sẻ.

Lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá

Trong khuôn khổ tọa đàm, sau khi lắng nghe giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều nội dung về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tiềm năng thu hút FDI và thế mạnh của Việt Nam, đề xuất các kiến nghị để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.

Đại diện các tập đoàn hàng đầu cho rằng, Việt Nam có vị trí quan trọng, nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN và thế giới; các tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam bởi nhận thấy cơ hội lớn, không chỉ trong phát triển khoa học công nghệ, mà cả trong phát triển hạ tầng, logistics, y tế… Các tập đoàn mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng cứng và mềm, có chính sách ưu đãi nhất là thuế, phí, đất đai, cũng như quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài mở hơn.

Các đại biểu tại tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

 

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch Schneider Electric toàn cầu: 'Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho đầu tư phát triển công nghệ cao'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO