Nội chiến thâm sâu bên trong 2 gia tộc nức tiếng Hàn Quốc, mâu thuẫn bắt nguồn từ 1 thoả thuận kéo dài 5 thập kỷ

Vũ Anh | 16:07 23/01/2025

Cả hai gia tộc này từng đồng ý tôn trọng ‘lãnh thổ’ của nhau, cùng chung sống dưới một mái nhà.

Nội chiến thâm sâu bên trong 2 gia tộc nức tiếng Hàn Quốc, mâu thuẫn bắt nguồn từ 1 thoả thuận kéo dài 5 thập kỷ

Hai đối tác kinh doanh lâu năm, Choi-Chang, cách đây 50 năm đã quyết định cùng nhau thành lập một công ty con chuyên sản xuất kẽm từ khu phức hợp công nghiệp do chính phủ Hàn Quốc thành lập. Khi ấy, mọi sự phân chia quyền lực đều được thống nhất. 

Liên doanh mới, Korea Zinc, sẽ do gia tộc Choi quản lý. Công ty mẹ hiện tại, Young Poong, sẽ do gia đình người sáng lập còn lại, gia tộc Chang, điều hành. Cả hai gia tộc đều đồng ý, tôn trọng ‘lãnh thổ’ của nhau, cùng chung sống dưới một mái nhà. 

Korea Zinc sau này trở thành nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích thiết yếu của nền kinh tế Hàn Quốc, song mối quan hệ giữa gia đình Choi và gia đình Chang lại tan vỡ một cách thảm hại. Con cháu gia tộc mắc kẹt trong một cuộc chiến tay đôi giành quyền kiểm soát Korea Zinc.

Mối thù này có ý nghĩa rộng hơn đối với các công ty lớn nhất của Hàn Quốc, thử thách xem các tập đoàn gia đình hùng mạnh, được gọi là chaebol, có thể cùng tồn tại và quản trị doanh nghiệp theo kiểu phương Tây hay không. Tâm điểm của cuộc chiến là một công ty có tầm quan trọng lớn về mặt địa chính trị: một trong số ít nhà cung cấp kim loại quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại cuộc họp cổ đông sắp tới, gia đình Choi sẽ tìm cách giữ lại quyền quản lý đối với Korea Zinc, đồng thời chống lại nỗ lực thâu tóm của Young Poong. Young Poong của gia tộc Choi hiện có doanh nghiệp tinh luyện kẽm riêng cũng như chuỗi cửa hàng sách và các nhà sản xuất linh kiện điện tử.

Young Poong đã hợp tác với MBK Partners, một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn nhất châu Á, trong nỗ lực lật đổ chủ tịch của Korea Zinc, Yun B. Choi, cháu trai người sáng lập. Liên doanh này đã cáo buộc ông Choi là một nhà quản lý kém, thực hiện các khoản đầu tư đáng ngờ và không thể duy trì khả năng cạnh tranh của công ty.

Korea Zinc cho biết nỗ lực thâu tóm của gia đình Chang là một nỗ lực của Young Poong nhằm củng cố hoạt động kẽm vốn đang sa sút của mình. Điều này dấy lên lo ngại rằng Korea Zinc có thể rơi vào tay Trung Quốc vì quỹ đầu tư tư nhân này có quan hệ với Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư.

Cuộc chiến diễn ra vào đúng thời điểm nhạy cảm đối với Hàn Quốc. Tổng thống nước này, Yoon Suk Yeol, đã bị luận tội sau khi ban bố thiết quân luật vào tháng trước. Cuộc khủng hoảng chính trị đã làm đảo lộn nền kinh tế, làm suy yếu đồng tiền và gây tổn hại đến niềm tin kinh doanh. Ông Choi thừa nhận rằng cuộc chiến doanh nghiệp có thể khiến một số nhà đầu tư nước ngoài cảnh giác với Hàn Quốc. 

“Đây chắc chắn là một môi trường hỗn loạn”, ông nói.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Korea Zinc vẽ nên bức tranh xoay quanh chaebol vốn được hỗ trợ bởi nhóm hội đồng quản trị công ty luôn tuân thủ lợi ích của riêng mình. 

“Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Choi Sung-ho, giáo sư quản lý tài sản bất động sản và tài chính tại Đại học Kyonggi cho biết. “Những vụ thâu tóm như vậy là có thể xảy ra”. 

Lịch sử đan xen của hai gia đình bắt nguồn từ năm 1949, khi Chang Byung-hee và Choi Ki-ho thành lập công ty mẹ Young Poong. Công ty bắt đầu kinh doanh vận chuyển, khai thác và thương mại trước khi mở cơ sở đầu tiên của đất nước để khai thác kẽm kim loại từ quặng. Năm 1974, công ty lập Korea Zinc làm công ty con.

Thỏa thuận chia tách quyền sở hữu kéo dài trong năm thập kỷ. Hai bên đã đồng ý ký hợp đồng quy định rằng các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến quyền sở hữu của đôi bên sẽ cần có sự đồng thuận của cả hai. 

Theo Young Poong, Korea Zinc bắt đầu vi phạm thỏa thuận này khi quyền lực được chuyển giao cho ông Choi, một luật sư tốt nghiệp Đại học Columbia, làm việc tại công ty luật Cravath, Swaine & Moore ở New York. Ông đã giám sát quá trình chuyển giao hoạt động của Korea Zinc tại Úc trước khi trở thành giám đốc điều hành vào năm 2019 và chủ tịch vào năm 2022.

Young Poong cho biết ông Choi đã thực hiện các bước pha loãng cổ phần của gia đình Chang bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho các công ty thân thiện với ban quản lý hiện tại của Korea Zinc.

“Tôi nhận ra rằng có lẽ tốt nhất là nên chia tay”, ông Choi nói với các phóng viên vào tháng này.

Tranh chấp leo thang nhanh chóng. Young Poong phản đối hai đề xuất của Korea Zinc tại cuộc họp cổ đông năm ngoái, trong khi phía Korea Zinc từ chối gia hạn một thỏa thuận kinh doanh lâu dài.

Chuẩn bị cho một cuộc đối đầu, Young Poong đã hợp tác với MBK Partners, một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Seoul quản lý 31 tỷ USD tiền của nhà đầu tư. MBK được thành lập bởi tỷ phú Michael ByungJu Kim, một nhà tài chính người Hàn Quốc. MBK cho biết họ được Young Poong đưa vào với tư cách là “hiệp sĩ áo trắng”.

Vào tháng 9, Young Poong và MBK công bố lời chào mua cổ phiếu Korea Zinc. Korea Zinc, công ty phản đối lời đề nghị này, đã phản pháo bằng cách mua lại một số cổ phiếu của mình, nhưng 1 tuần sau đó lại công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư với mức giá thấp hơn nhiều. Giá cổ phiếu công ty sau đó giảm mạnh, khiến các cổ đông tức giận và thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Công ty lúc này rút lại đợt phát hành.

Sau khi xin lỗi, ông Choi cho biết sẽ từ chức chủ tịch sau cuộc họp cổ đông nhưng vẫn là giám đốc điều hành của Korea Zinc. Ông gọi kế hoạch phát hành cổ phiếu là một quyết định không quá sáng suốt.

Hội đồng quản trị của Korea Zinc hiện đang cố gắng bảo vệ quyền kiểm soát của Chủ tịch Choi. Young Poong và MBK nắm giữ 47% cổ phiếu có quyền biểu quyết, so với khoảng 40% của ông Choi và các đồng minh.

“Một công ty không thể đạt được sự ổn định hoặc quản lý phù hợp nếu Tổng giám đốc điều hành không có được sự tin tưởng của cổ đông lớn nhất”, Chang Se-hwan, phó chủ tịch của Young Poong, đồng thời là cháu trai của người sáng lập, cho biết.

Theo: The NY Times 


(0) Bình luận
Nội chiến thâm sâu bên trong 2 gia tộc nức tiếng Hàn Quốc, mâu thuẫn bắt nguồn từ 1 thoả thuận kéo dài 5 thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO