Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6

Lê Sáng | 12:12 16/11/2023

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến sáng 16/11. Ảnh: Media Quốc hội

"Dự thảo hiện còn ý kiến khác nhau, một số nội dung thiết kế hai phương án. Những vấn đề này Ủy ban Kinh tế chưa trình bày quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại phiên họp Thường vụ, sáng 16/11.

Theo ông Huệ, với những nội dung còn hai phương án (chưa thống nhất được chính sách quy định trong luật), Thường vụ Quốc hội sẽ bàn, rút lại còn một phương án để trình Quốc hội quyết định.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6.

Nguyên nhân là qua lấy ý kiến, các đại biểu cho rằng cách thiết kế chính sách trong dự luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Khi thảo luận tại hội trường, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định cần sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thấu đáo, cân nhắc cẩn trọng và đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng chất lượng của dự án Luật phải được đặt lên hàng đầu, "tránh trường hợp Luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân". Ngoài ra, dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.

Theo ông Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến theo chương trình kỳ họp thứ 6. Sau kỳ họp này, Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo một số nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo Luật.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều “băn khoăn”

Trước đó, tại phiên thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng với quy mô và tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét thận trọng, thấu đáo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi thông qua.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho biết, còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

“Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.

Dẫn chứng thêm về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Minh cho rằng khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau.

Do đó, đối với việc kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Minh cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.

Chia sẻ quan điểm trên, thảo luận qại Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hết sức quan trọng do đó cần hết sức cẩn trọng khi xem xét thông qua.

Cũng đồng tình với quan điểm cần xem xét thận trọng, thấu đáo Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) trước khi có thể thông qua,đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luận một cách thận trọng song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành, đồng thời tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Dẫn chứng một trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này, đại biểu đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, theo đại biểu Tuấn, băn khoăn đặt ra là việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

Cũng liên quan đến thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), tranh luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau, do phạm vi của luật rất rộng, liên quan chặt chẽ với nhiều quy định của các luật khác. Do đó, đại biểu Giang cho rằng, cần rất thận trọng, nếu sửa đổi mà không nghiên cứu một cách thấu đáo thì sẽ dẫn đến những vướng mắc khác thi luật có hiệu lực.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Trường Gian, tranh luận tại Quốc hội, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc rất cẩn trọng trong việc thông qua tại Kỳ họp thứ 6 khi còn có quá nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật.

Thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc thông qua luật tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đó, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh đây là những vấn đề rất lớn, quan trọng, đại biểu cho rằng cần phải có thời gian để đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Do đó, đại biểu Hải đề xuất cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua dự án Luật tại kỳ họp lần này...

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, để có thời gian rà soát, xử lý những vướng mắc, bất cập và lựa chọn các phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra một cách thận trọng nhất.

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cũng đề nghị chưa thông qua tại Kỳ họp 6 này để có thời gian nghiên cứu thấu đáo, kĩ lưỡng lựa chọn các phương án mà Ban soạn thảo đưa ra cho thật sự phù hợp.

Cũng theo đại biểu Luyến, vì đây là luật quan trọng liên quan tới các đối tượng trong xã hội. Đồng thời, đại biểu Luyến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề vào thời gian tới như dự kiến và nên chuyển tài liệu cho đại biểu sớm để nghiên cứu thấu đáo các nội dung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO