Chủ tịch PVTrans (PVT): Thị trường nội địa đã không còn quan trọng khi chỉ đóng góp thực sự 20-25% doanh thu, quý 1/2023 ước đạt 278 tỷ lợi nhuận

Tri Túc | 11:20 11/04/2023

Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động 50-55 ngày, và nhà máy Nghi Sơn là 45-50 ngày. PVT dự báo, vận chuyển dầu thô, xăng dầu và LPG nội địa sẽ thấp hơn năm 2022.

Chủ tịch PVTrans (PVT): Thị trường nội địa đã không còn quan trọng khi chỉ đóng góp thực sự 20-25% doanh thu, quý 1/2023 ước đạt 278 tỷ lợi nhuận

Sáng nay ngày 11/4/2023, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTRans, PVT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.800 tỷ; lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng.

So với kết quả thực hiện năm 2022 là 9.000 tỷ doanh thu và 1.156 tỷ lợi nhuận, chỉ tiêu 2023 giảm mạnh.

Quý 1/2023 ước lợi nhuận hợp nhất 278 tỷ đồng, thực hiện 40% chỉ tiêu

Các chỉ tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh PVT cho rằng còn nhiều khó khăn. Trong đó, kinh tế toàn cầu dù đã được dự báo sẽ trở nên tích cực hơn nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. Đặc biệt là công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu sẽ giảm do đa số đã đến kỳ bảo dưỡng tổng thể trong năm 2023.

Đơn cử, nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động 50-55 ngày, và nhà máy Nghi Sơn là 45-50 ngày. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước có thể tiêu cực vì đà giảm hồi phục kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. PVT dự báo, vận chuyển dầu thô, xăng dầu và LPG nội địa sẽ thấp hơn năm 2022.

“PVT đang kinh doanh trong môi trường biến động. Trên thế giới, biến động kinh tế Trung Quốc ra sao, giá dầu biến động ra sao, cuộc chiến Nga – Ukraina ra sao, khủng hoảng kinh tế Mỹ ra sao… sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, và giá dầu thì tác động cực nhanh đến vận tải biển. Ngành vận tải biển biến động rất nhạy”, Chủ tịch Phạm Việt Anh chia sẻ.

Riêng quý đầu năm, tình hình thị trường vận tải dầu thô và dầu sản phẩm nhìn chung đang tích cực. Theo đó, ước tính quý 1/2023 lợi nhuận hợp nhất Công ty đã đạt 278 tỷ, thực hiện hơn 40% kế hoạch và tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

PVT có nhu cầu đầu tư rất lớn, lên đến 270 triệu USD cho 5 năm

Về đầu năm, năm 2023 PVT đặt kế hoạch chi hơn 4.110 tỷ đồng, trong đó hơn 3.850 tỷ đồng cho đầu tư tàu, và 260 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị vận tải. Trong đó, nguồn vốn chủ vào mức 1.400 tỷ, còn lại là đi vay và các nguồn khác.

Cũng nói thêm về vốn đầu tư, Chủ tịch nhấn mạnh nhu cầu vốn hiện tại PVT cần rất lớn, lên đến 270 triệu USD trong 5 năm.

Riêng năm 2023, công ty mẹ PVT dự đầu tư khoảng 164 triệu USD để mua 6 tàu mới. Ngoài ra còn có vốn đầu tư ngoài hơn 190 triệu USD cho 12 tàu nữa. Trả lời cổ đông về việc đầu tư có hiệu quả không, PVT cho biết trong giai đoạn 2017-2020 thì tình hình ghi nhận rất tốt, tạo được nền tảng tốt cho Công ty sau này.

Sang giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng Nga-Ukraine, đúng là thị trường mua bán tàu biển tăng vọt, có những tàu tăng đến 3 lần. Đơn cử Alpha Max nếu trước đây khoảng 18 triệu USD thì nay là hơn 40 triệu USD. Hay tàu VLCC trước là 40 triệu USD thì nay lên hơn 70 triệu USD.

Dù vậy, giá cước tăng cũng mạnh. Trước đây, giá chỉ đạt mức trung bình 15-25 ngàn USD/ngày thì giờ có thể lên tới 70 ngàn USD/ngày. Về cơ bản, các dự án trước đây đang rất hiệu quả.

Trong quý 1, PVT đã đầu tư vào 2 tàu và dự kiến nhận trong tháng 5-6/2023. Với bối cảnh thị trường mua bán tàu hiện nay, có thể sẽ có thêm tàu MA (loại chở dầu) sẽ được đầu tư. Một số dự án danh mục đầu tư chung có thể là thêm các tàu hoá chất nữa, khoảng 10-11 tàu trên hơn 20 tàu cho cả năm.

Tính đến hiện tại, quy mô tài sản của PVT đã đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo PVT, có một điểm ít thể hiện trong báo cáo là chất lượng tài sản, hiện PVT đang sở hữu đội tàu 43 chiếc là những tàu trẻ hơn, phù hợp với xu thế của thị trường.

Chỉ bảo dưỡng 1 nhà máy lọc dầu trong năm 2023, chỉ tiêu lợi nhuận vẫn sẽ thận trọng

Trở lại với chỉ tiêu 2023, con số khá thận trọng chủ yếu do kế hoạch bảo trì bảo dưỡng. Dù vậy, ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng Giám đốc PVT cũng cho biết, sau khi có rất nhiều nỗ lực, xem xét đánh giá kiểm tra các điều kiện, thì NMLD Dung Quất sẽ dời kế hoạch bảo dưỡng từ năm 2023 sang đầu năm 2024. Do đó sẽ chỉ có 1 nhà máy dừng lại để bảo dưỡng trong 2023 là NMLD Nghi Sơn.

Tuy nhiên, kế hoạch 2023 vẫn chủ trương xây dựng theo phương án thận trọng. “Chỉ tiêu kế hoạch lúc nào cũng thấp hơn thực hiện năm trước, nhưng sẽ cao hơn kế hoạch năm trước”, ông Việt Anh cho biết, “PVT đặt kế hoạch nhưng không ỷ lại và chỉ làm như vậy. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận của PVT đều trên 1.000 tỷ, năm 2021 là 1.040 tỷ và năm 2022 thì hơn 1.400 tỷ đồng”.

Trong đó Chủ tịch nhấn mạnh hoạt động của PVT từ nay đã không còn quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Hiện, doanh thu của PVT ghi nhận 55% đến từ thị trường quốc tế và 45% từ thị trường nội địa. Dù vậy, nếu quy đổi giá cước về mặt bằng chung doanh thu quốc tế đã chiếm đến 75-80%. Do đó, thị trường nội địa đến nay với PVT không quan trọng, chỉ duy trì vận tải dầu thô cho các đối tác lớn như dự án Dung Quất, Bình Sơn, PV GAS…

Trong giai đoạn 5 năm từ 2021-2025, PVT dự kiến đạt tổng doanh thu từ 39.500-42.000 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 3%/năm; lãi sau thuế tương ứng 3.800-4.500 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.

pvt.jpeg

Dự kiến tăng vốn lên hơn 3.900 tỷ đồng

Năm 2022 cũng là năm PVT đạt mức lãi cao nhất kể từ khi niêm yết.

Tương ứng, tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, PVT có 904 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Theo kế hoạch, PVT sẽ dùng 323 tỷ đồng để chia cổ 10% cổ tức bằng cổ phiếu, dựa trên nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 theo vốn điều lệ thời điểm 31/12/2021, qua đó để nâng vốn điều lệ lên 3.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện PVT đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Với nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại là 578 tỷ đồng, Công ty dự chi hơn 97 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 300 đồng.

Công ty cũng trình thông qua việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo tỷ lệ 10%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.560 tỷ đồng lên 3.916 tỷ đồng. Việc chi trả này sẽ được thực hiện sau khi PVT hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 3.560 tỷ đồng theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Cũng tại đại hội, PVT trình thông qua việc miễn nhiệm thành viên BKS Kim Kwang Hyuk theo đơn từ nhiệm ngày 21/03/2023, với lý do chuyển công tác về Hàn Quốc, đồng thời tiến hành bầu bổ sung 1 ứng viên Ngô Thị Thu Linh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch PVTrans (PVT): Thị trường nội địa đã không còn quan trọng khi chỉ đóng góp thực sự 20-25% doanh thu, quý 1/2023 ước đạt 278 tỷ lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO