Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng

Giang Anh | 05:47 22/01/2025

Mới đây, tại Davos, Thụy Sĩ, tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng

Theo đó, sự kiện thu hút hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, đầu tư, tài chính, bán dẫn, y tế, hạ tầng như Google, Schneider Electric, Hyundai Motor, Qualcomm, Visa, Ericsson... Loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng góp mặt như FPT, Viettel, Vietnam Airlines, VNPT, EVN, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Sovico.

Giới thiệu về Việt Nam với các đại biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia, Việt Nam đang có tiềm năng để trở thành một điểm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài.

"Việt Nam đã xác định chọn khoa học công nghệ làm động lực quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hoá thông qua các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục. Đây là mong muốn, cũng như yêu cầu của cả hệ thống chính trị", ông Bình cho hay.

Lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết thêm, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong như Viettel, VNPT cũng phải cam kết có thể làm được những gì cho Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với đó, theo Chủ tịch FPT, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng. Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai. Đồng thời, ông Bình nói rằng Việt Nam cũng sở hữu 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này.

Cũng tại Tọa đàm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tọa đàm thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cao – một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Việt Nam nhận thức sâu sắc phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.

Sau gần 40 năm Đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được một số thành quả quan trọng. Cụ thể, về môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút, phát triển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, với đóng góp của các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Samsung, Intel, Nvidia, Google, Meta,… và sự phát triển nhanh chóng của các Tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC,… trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước.

"Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn...", Bí thư Thành uỷ TPHCM chia sẻ. 

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại Tọa đàm "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh". Ảnh: VGP

Thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức" 

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, thế mạnh giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Trong đó, nổi bật nhất là các yếu tố gồm môi trường chính trị ổn định, chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác; tăng trưởng kinh tế bền vững. Chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics để phục vụ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu người làm công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn là một trong những điểm mạnh của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn về điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số cùng nhiều nhà đầu tư lớn đang chuẩn bị triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nên cho hay, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra không ít cơ hội, thời cơ, thuận lợi và là thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Do vậy, Việt Nam cần sự đồng hành của các đối tác để giải quyết thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cho các ngành công nghiệp nêu trên.

"Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế và hiểu rằng: Để thành công và đi xa trong lĩnh vực công nghệ cao, chúng ta chỉ có thể đi cùng nhau và cùng xây dựng chuỗi giá trị vững chắc. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp đến Việt Nam để cùng phát triển các giải pháp đột phá, sáng tạo, bền vững; sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ hiện đại từ thế giới với tinh thần cầu thị và hợp tác", Bí thư Thành uỷ TPHCM phát biểu.

img6377-17374798914771093070998.jpg
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VGP

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá. 

Trong đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ...

"Đây là thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; nhờ đó vượt qua 'bẫy thu nhập trung bình', 'đuổi kịp, tiến cùng' với các nước phát triển", Bí thư Thành uỷ TPHCM nhấn mạnh.

Thay mặt Thủ tướng, Bí thư Thành uỷ TPHCM khẳng định trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm là phải có sản phẩm", Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

"Chúng ta cùng thực hiện "3 cùng" gồm cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào", Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu.


(0) Bình luận
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO