Thế giới khó quá thì quay về sân nhà 100 triệu người dùng: Doanh nghiệp xuất khẩu trăn trở vì lãi suất vay USD chỉ khoảng hơn 1% trong khi vay tiền đồng 9-10%

Tri Túc | 22:28 11/04/2025

Theo chủ tịch Phúc Sinh, nếu muốn DN quay về, thì cần các chính sách hỗ trợ kích thích các DN sản xuất nội địa không thua gì với DN xuất khẩu.

Thế giới khó quá thì quay về sân nhà 100 triệu người dùng: Doanh nghiệp xuất khẩu trăn trở vì lãi suất vay USD chỉ khoảng hơn 1% trong khi vay tiền đồng 9-10%

Trong những ngày vừa qua, các nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam, đều bị xáo động bởi chính sách thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu mà Mỹ đưa ra.

Dưới vai trò một DN xuất khẩu tiêu thuộc Top 8 thế giới, đặc biệt là nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất vào Mỹ (chiếm hơn 10% tổng kim ngạch tiêu xuất sang Hoa Kỳ), ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh – vừa có những chia sẻ về cách ứng phó.

Theo ông Thông, trước hết, phải nhìn thẳng đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi vì chúng ta không sẵn sàng để bị áp mức thuế quan cao. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn nhận, sẽ thấy chính sách thuế quan chia thành 2 đối tượng:

Thứ nhất, các DN bị áp thuế mức cao, ảnh hưởng lớn thuộc nhóm có các mặt hàng cạnh tranh với thị trường Mỹ như thiết bị điện tử, may mặc, đồ gỗ và nội thất, giày da, thủy sản và một số mặt hàng khác.

Đối với các DN sản xuất hoặc đầu tư sản xuất những hàng hóa này tại Việt Nam để xuất đi, rõ ràng mục tiêu áp thuế sẽ thu hút dịch chuyển đầu tư, mở nhà máy tại Mỹ.

Thứ hai, các DN cung cấp hàng hóa mà nước Mỹ không có, ví dụ điều, cà phê, dừa… các sản phẩm về nông nghiệp thuộc miền nhiệt đới và tài nguyên hay mặt hàng khác. Với các hàng Mỹ không có, đánh thuế, người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Tuy nhiên, vẫn còn sớm để có thể nói nước Mỹ sẽ chính thức áp thuế cụ thể cho danh sách ngoại lệ/miễn trừ nào. Bởi hiện nay các nhà nhập khẩu vẫn đang chờ những thông điệp sau cùng từ Nhà Trắng.

Cần một sàn giao dịch hàng hàng đủ tầm quốc tế

Theo đại diện Phúc Sinh, một nhóm cấu phần hàng hóa có thể được ngoại lệ, miễn thuế thuộc về lợi thế của Việt Nam mà nước Mỹ không có, không cạnh tranh được. Do đó, việc thúc đẩy các mặt hàng này để tăng giá trị, cần một sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế được thiết lập, xây dựng sớm ngay tại trung tâm tài chính quốc tế.

Trong đó, sàn giao dịch hàng hóa chính là một phần của trung tâm tài chính. Việt Nam hiện đang có các sàn giao dịch hàng hóa nhưng quy mô khiêm tốn.

Đối với các DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SME), ông Thông cho rằng cần chính sách tài chính hỗ trợ tổng thể gồm: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi (hiện khu vực SME đã có ưu đãi lãi suất từ 4% nhưng thực tế chưa thực sự thực thi trên diện rộng); giảm thuế TNDN, ưu đãi thuế đất để khuyến khích xây nhà máy…

Ông Thông cũng kiến nghị các gói chính sách hỗ trợ chuyên biệt hơn như ưu đãi cho khối phát triển và xanh và thực hành ESG, ưu đãi chuyển đổi số.

“Tất nhiên, mọi chính sách hỗ trợ cần phải có nỗ lực tự thân của DN”, ông Thông nhấn mạnh. Chính phủ đã mở đường với 17 Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đòng thời đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế.

"Thị trường rộng lớn cho phép cho các DN chủ động đa dạng hóa và tìm kiếm nơi “cần” mình nhất" - Ông Thông khẳng định.

Chú trọng yếu tố môi trường và xã hội trong kinh doanh

Liên quan đến việc phát triển bền vững, được biết sau khi ông Trump lên Tổng thống thì Mỹ hiện đã rút khỏi các tiêu chí về ESG, trong khi các thị trường lớn khác vẫn theo đuổi.

Do đó, Việt Nam theo các chuyên gia cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển bền vững để mở rộng được thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hiện tại.

Ông Phạm Trọng Chinh – Chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC – tại hội thảo mới đây cho biết: “Yếu tố môi trường là quy định bắt buộc khi xuất sang thị trường các nước. Thực tế, việc chú trọng bảo vệ môi trường đã được chú ý từ 20 năm về trước, nhưng 5 năm trở lại đây thì nó là điều bắt buộc. Chúng tôi dự đoán sắp tới đây yếu tố về mặt xã hội cũng sẽ trở thành yếu tố bắt buột khi xuất khẩu sang các nước”.

Còn Mỹ, ông Chinh cho biết hiện Mỹ đã rút khỏi ESG nhưng nhiệm kỳ tổng thống có giới hạn, nên sau 4 năm có thể Mỹ quay lại các chủ trương kinh tế chung mà họ đang theo đuổi với các nước. Ông Chinh cũng đặc biệt nhấn mạnh Phúc Sinh là một trường hợp đặc biệt năm qua của Việt Nam, khi đây là số ít DN nhận được nguồn vốn đầu tư xanh liên tiếp.

“Thực tế 5 năm qua rất nhiều nguồn vốn đầu tư tác động xanh đến Việt Nam nhưng họ tìm không ra DN nào phù hợp để rót vốn. Và họ đã rót vào Phúc Sinh bởi DN này đảm bảo về ESG và đặc biệt nhấn mạnh môi trường. Các quỹ cũng nhắm đến việc bình đẳng giới trong đội ngũ Phúc Sinh, do đó đây là ‘case’ mà các DN nên theo dõi và học tập”, ông Chinh nói.

Quay về thị trường trong nước: Cần một mức lãi suất tốt hơn

Một trong những kiến nghị được quan tâm hiện nay là “thế giới khó quá thì ta về sân nhà 100 triệu người dùng”. Với quan điểm này, ông Thông nhấn mạnh không có quan điểm là đúng hay sai ở đây song một thị trường của chúng ta cũng vẫn mới chỉ ở quy mô tầm trung, và cần được sự kích hoạt.

Theo ông Thông, nếu muốn DN quay về, thì cần các chính sách hỗ trợ kích thích các DN sản xuất nội địa không thua gì với DN xuất khẩu. Đặc biệt là mức lãi suất huy động vốn, khi DN xuất khẩu có thời điểm vay USD lãi suất chỉ khoảng hơn 1%, DN sản xuất nội địa vay tiền đồng 9-10% thì chưa thể xem là cơ chế thúc đẩy công bằng.

“Nếu thị trường sản xuất nội địa có những gói vay lãi suất hấp dẫn, tôi tin rằng có thể tạo ra một thị trường giàu có hơn nữa các sản phẩm”, ông Thông nói.

Bên cạnh đó, để tăng sức mua cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, rất cần những gói hỗ trợ tiêu dùng; đi cùng là chính sách quản lý có định hướng về chất lượng hàng hóa nhằm thúc đẩy “người Việt yêu hàng Việt” một cách thực chất.

Vị này cũng cho biết không lo ngại về về việc chúng ta dỡ bỏ thuế quan hàng nhập khẩu (như Mỹ) về 0% sẽ khiến hàng Mỹ về Việt Nam rẻ gây cạnh tranh với các DN nội. Với tiêu chuẩn cao của thị trường này, cộng các chi phí phi thuế quan, ví dụ logistic, để vào thị trường, DN nội vẫn có lợi thế để cạnh tranh về giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thế giới khó quá thì quay về sân nhà 100 triệu người dùng: Doanh nghiệp xuất khẩu trăn trở vì lãi suất vay USD chỉ khoảng hơn 1% trong khi vay tiền đồng 9-10%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO