Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt 125 triệu đồng vì có giao dịch với cổ đông cá nhân là ông Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức vừa là người sáng lập công ty, Chủ tịch HĐQT, đồng thời là cổ đông lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai.
Cho các bên liên quan vay hàng nghìn tỷ đồng
Căn cứ vào báo cáo kiểm toán 2021, tại thời điểm cuối năm 2021, HAGL cho ông Đoàn Nguyên Đức vay 102 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Án phạt với HAGL căn cứ vào báo cáo này.
Ông Đức không phải là cá nhân duy nhất vay tiền từ HAGL. Ngoài ông Đức, một số cá nhân sau: Bà Lê Ngọc Mai, Ông Lê Văn Thạch, Ông Nguyễn Kim Luân, ông Trần Quang Dũng cũng vay HAGL từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ ông Đức có tên trong danh sách cổ đông lớn. Các cá nhân còn lại chưa rõ có phải là cổ đông của HAGL hay không.
Báo cáo tài chính quý II/2022 của HAGL cho thấy công ty cho các bên liên quan (cá nhân và tổ chức) vay 6.681 tỷ đồng (bao gồm ngắn hạn và dài hạn). Trong nửa đầu năm, tiền lãi cho vay mà HAGL thu về đạt hơn 225 tỷ đồng. Phần lớn các khoản cho vay của HAGL là dành cho các bên liên quan (chiếm gần 97%).
Điển hình CTCP Gia súc Pơ Lang, tính đến cuối năm 2021 đang vay HAGL số tiền 1.149 tỷ đồng (tính cả lãi vay). Đến giữa năm 2022, Pơ Lang đã được chuyển thành công ty con của HAGL với tỷ lệ sở hữu của HAGL gần như tuyệt đối (99,75%). Cùng với việc chuyển đổi này, khoản cho Pơ Lang vay đã không còn trên báo cáo tài chính quý II/2022 của công ty.
Việc cho các bên liên quan vay và hạch toán khoản thu từ lãi suất của HAGL diễn ra trong tình hình công ty vẫn đang căng thẳng bởi các khoản nợ vay. Tính đến cuối quý II/2022, HAGL vay hơn 9.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng.
“Giá trị” thực sự của các khoản cho vay
Cho các bên liên quan vay hàng nghìn tỷ đồng ngay cả khi hàng năm phải thanh toán lãi vay khoảng 1.000 tỷ đồng, HAGL khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu. Gánh nặng nợ vay chưa bao giờ nhẹ nhàng với lãnh đạo HAGL từ năm 2015 đến nay, khiến doanh nghiệp đã trải qua nhiều biến động và chuyển hướng kinh doanh.
Trong riêng quý II/2022, mặc dù tình hình kinh doanh được đánh giá khởi sắc, lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh chính là bán trái cây và heo thịt của HAGL vẫn chưa bù đắp nổi khoản chi phí lãi vay gần 170 tỷ đồng. Lợi nhuận có được trong kỳ vẫn chủ yếu đến từ khoản hoàn nhập dự phòng 861 tỷ đồng của công ty.
Năm ngoái, HAGL đã hoàn nhập dự phòng hơn 890 tỷ đồng, cũng là nhân tố chính giúp công ty lãi sau thuế hơn 128 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của công ty không chỉ rõ số tiền dự phòng/hoàn nhập dự phòng là cho khoản mục nào. Tuy nhiên, cho vay các bên liên quan luôn là một trong những khoản mục phải thu lớn nhất của công ty trong thời gian qua.
Như vậy, các khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng của HAGL cho các bên liên quan không chỉ giúp HAGL thu lãi hàng trăm tỷ đồng, mà còn giúp công ty điều tiết lợi nhuận trong từng thời kỳ, nhờ việc trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng.
Lợi nhuận của HAGL những năm gần đây biến động tương đồng với cách công ty hạch toán các khoản dự phòng phải thu.
(Lưu ý: Khoản dự phòng có giá trị âm được hạch toán là chi phí, có giá trị dương được hạch toán là doanh thu)
Số dư cho vay của HAGL với các bên liên quan vẫn còn gần 6.700 tỷ đồng tính đến cuối quý II năm nay. Việc trích lập dự phòng cùng với hoàn nhập dự phòng của HAGL qua từng năm vì vậy vẫn còn nhiều dư địa để thực hiện.
Bên cạnh việc cải thiện hoạt động kinh doanh (xuất khẩu chuối, nuôi heo thịt), lợi nhuận của HAGL cũng hứa hẹn nhiều thăng trầm trong thời gian tới, chỉ thông qua khoản mục dự phòng.