Mới đây, tại cuộc Toạ đàm về tự chủ bệnh viện, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 trong 4 bệnh viện được Chính phủ chỉ định thí điểm tự chủ toàn diện.
Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai bắt tay tự chủ toàn diện trong điều kiện hết sức khó khăn. Trước hết là vướng vào dịch bệnh như tất cả các bệnh viện khác phải trải qua.
Bên cạnh đó, 15 năm qua, Bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 của Chính phủ, tức là tự chủ chi thường xuyên. Nhưng hầu hết thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thực hiện theo đề án liên doanh liên kết.
Qua 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020, 2021 không bộc lộ ra việc thiếu trang thiết bị y tế do số lượng bệnh nhân trong hai năm này giảm rất nhiều vì dịch. Đến quý II/2022 khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị rất nhiều, ví dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...
"Từ năm 2020 đến nay Bệnh viện Bạch Mai đang rất thiếu thốn về thiết vị y tế, tức là toàn bộ thiết bị như cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy phẫu xạ hiện tại có những cái đã hết hợp đồng, có những cái vướng vào thủ tục pháp lý", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Nguyên nhân do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng, nên khi được các cơ quan kiểm tra thì có những sai phạm. Do vậy không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng.
Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ, hơn 2 năm qua khi thực hiện thí điểm tự chủ và ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn bộ nguồn ngân sách của bệnh viện hiện tại rơi vào tình trạng thiếu, vô cùng khó khăn. Những mục như chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên không đủ.
“Do thiếu thốn trang thiết bị, Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp làm việc. Số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám nên Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp”, PGS. TS Đào Xuân Cơ cho biết.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện là rất thấp do mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế.
“Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng Bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá, hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy bởi Bệnh viện xác định mình là bệnh viện công lập, là tuyến cuối. Trên 90% bệnh nhân là người hưởng BHYT, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa”, vị Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.
Vì những lý do đó, cho nên Bệnh viện không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế.
Cũng theo PGS. TS Đào Xuân Cơ, một vấn đề rất khó để tự chủ bệnh viện toàn diện là về cơ chế. Ví dụ trong tự chủ toàn diện có tự chủ về giá nhưng Luật về giá chưa xong. Hiện ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định để phục vụ an sinh xã hội, không thể nâng giá lên được.
"Không phải bệnh viện ngại làm mà là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng, nếu làm rất dễ khiến bệnh viện dính vào sai phạm. Rõ ràng trong thời gian vừa qua chúng ta rà soát lại các văn bản pháp quy và thấy hiện chưa ổn, ngay cả các thông tư", PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cần cơ chế công khai, minh bạch để giúp Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tốt nhất 3 nhiệm vụ chính trị quan trọng: Thứ nhất là tiếp nhận bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên. Thứ hai đào tạo nhân lực cho các tuyến. Thứ ba là nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới trên thế giới.