Cho đến tuổi 30 tôi mới nhận ra nỗ lực sống không một chút nợ nần hoá ra chỉ là một ảo tưởng chẳng thể đạt được

Ngọc Linh | 18:07 08/06/2024

Không mắc nợ thì sống thoải mái thật đấy nhưng việc gì cũng có mặt trái cả thôi.

Cho đến tuổi 30 tôi mới nhận ra nỗ lực sống không một chút nợ nần hoá ra chỉ là một ảo tưởng chẳng thể đạt được

*Dưới đây là tâm sự của Sarah Martinez Shaw - Người phụ nữ luôn nỗ lực để tránh việc phải vay nợ. Đây là điều cô đã được cha mẹ dạy từ tấm bé. Bản chân cha mẹ của Sarah cũng chưa từng mắc nợ. Bởi thế, cô mặc định rằng lối sống không nợ nần là “chân ái”. Cho đến khi cần vay tiền ngân hàng để mua căn nhà đầu tiên, Sarah mới nhận ra mình đã nhầm.

Tôi không biết mọi người sẽ nhớ điều gì khi nghĩ về tuổi thơ của mình, còn với tôi, đó chính là những buổi chiều ngồi trên ô tô theo mẹ đi siêu thị, nghe chương trình Radio của chuyên gia tài chính nổi tiếng bậc nhất những năm 90s - Dave Ramsey. Thông điệp “đừng để mắc nợ” được ông nhắc đi nhắc lại trong mỗi số Radio, và nó đã hằn vào não tôi kể từ khi tôi chỉ mới là một đứa trẻ 7-8 tuổi.

c0aee9c866a6c5d6b8f9e416264d16b7.jpg
Ảnh minh họa

Bố mẹ cũng luôn dạy tôi điều tương tự, rằng tự do chẳng ở đâu xa, chỉ đơn thuần là việc chúng ta có thể sống mà không phải lo gom tiền trả nợ hàng tháng. Đây là triết lý sống mà bố mẹ tôi đã tuân thủ cả đời và truyền lại cho thế hệ sau là tôi.

Nhưng đến giờ này, tôi có thể khẳng định không mắc nợ là nỗ lực sai lầm nhất trong cuộc đời mình.

Tôi không thể vay tiền ngân hàng để mua căn nhà đầu tiên, chỉ vì bản thân chưa từng mắc nợ!

Ở thời đại này, có vẻ mọi người đều bình thường hóa việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc mua đồ với hình thức trả góp; còn tôi thì không. Tôi chưa từng dùng thẻ tín dụng, cũng chưa từng mua trả góp bất cứ món đồ nào. Tôi không học đại học nên cũng chẳng phải gánh những khoản nợ sinh viên.

Đến khi kết hôn, tôi cũng chọn một người đàn ông có “lịch sử tài chính sạch sẽ” để lấy làm chồng. Dù cuộc sống không mấy dư dả nhưng ít nhất, chúng tôi cũng cảm thấy an toàn và thoải mái với chuyện không mắc nợ - hệt như những gì cả hai được cha mẹ dạy từ bé. 

Mọi chuyện chỉ thực sự thay đổi khi chúng tôi tính chuyện mua nhà. Vì đây là việc lớn, nên chúng tôi chấp nhận sẽ “phá vỡ quy tắc sống không mắc nợ của mình”. Nhưng khi tới ngân hàng để gặp nhân viên tư vấn khoản vay, chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra cả hai không có khả năng vay một khoản tiền lớn lên tới vài ngàn đô. Lý do chỉ đơn giản là: Chúng tôi không có điểm tín dụng.

481a69e74b9221c3f3ac8d3f4009e478.jpg
Ảnh minh họa

Vì chưa từng vay nợ, cũng không sử dụng thẻ tín dụng hay mua hàng trả góp, ngân hàng hay các tổ chức tín dụng chẳng có cơ sở nào để đánh giá khả năng trả nợ của chúng tôi. Và thế là họ từ chối cấp khoản vay. Chúng tôi đã gặp tới 4 nhân viên viên tư vấn của 4 ngân hàng và tổ chức tài chính khác nhau nhưng kết quả vẫn chẳng có gì thay đổi.

Học cách “mắc nợ” để nhận ra nợ nần không phải lúc nào cũng xấu!

Tôi bắt đầu nhận ra lời khuyên “đừng mắc nợ” hoàn toàn không phù hợp với tầng lớp người lao động thu nhập thấp như vợ chồng tôi. Nếu cố chấp theo đuổi triết lý sống ấy, chúng tôi sẽ phải ở nhà thuê cả đời và chẳng có tài sản gì hữu hình để lại cho thế hệ sau.

Đầu năm 2021 - thời điểm chúng tôi bàn chuyện mua nhà, chi phí trung bình để mua được một căn nhà ở Mỹ là 300.000 USD. Trong khi đó, tất cả những gì chúng tôi có trong tay là một khoản tiết kiệm 60.000 USD - Số tiền có được nhờ sống tiết kiệm hết mức có thể trong suốt 5 năm kết hôn.

Nếu không vay ngân hàng, chẳng biết tới bao giờ chúng tôi mới tiết kiệm đủ tiền mua nhà. Giá BĐS thì ngày càng tăng.

Suy đi tính lại, chúng tôi quyết định từ bỏ lối sống mình đã được học từ tấm bé bằng cách tới ngân hàng, mở một chiếc thẻ tín dụng. Đây là việc đầu tiên mà vợ chồng tôi làm để xây dựng điểm tín dụng, nhằm mục đích có thể vay được tiền để mua nhà.

Chúng tôi thanh toán toàn bộ hóa đơn bằng thẻ tín dụng, từ hóa đơn điện nước tới tiền đổ xăng, tiền đi siêu thị,... và luôn đảm bảo việc trả toàn bộ dư nợ tín dụng đúng hạn. Bằng cách từ bỏ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, sống “nhờ” vào thẻ tín dụng suốt hơn 1 năm, chúng tôi đã đạt đủ điểm tín dụng để có thể được cấp một khoản vay thế chấp cho mục đích mua nhà.

cc7f8400110f153369a0970394c3e585.jpg
Ảnh minh họa

Khi vợ chồng tôi kể chuyện này với hai bên gia đình, họ đã rất ngạc nhiên và phản đối có phần kịch liệt. Tuy nhiên, khi đó thì mọi sự đã rồi. Chúng tôi đã vay tiền ngân hàng để mua nhà, đồng nghĩa với việc phải gánh một khoản nợ lớn trong vòng 15 tiếp theo.

Khi ấy, mẹ tôi đã nhắc lại lời khuyên của Dave Ramsey về lối sống nói không với nợ nần. Theo quan điểm của mẹ tôi, bà chẳng cần vay ai tiền vẫn có thể mua được nhà và nuôi tôi khôn lớn. Nhưng bố mẹ tôi mua nhà khi đã ngoài 70 tuổi, gần như cả đời họ đã phải ở thuê. Chưa kể, thị trường BĐS ngày một đắt đỏ hơn.

Lời khuyên “đừng nợ nần” có thể phù hợp với thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta chứ đến giờ này, tôi tin rằng nó không còn đúng nữa! 

Theo BI


(0) Bình luận
Cho đến tuổi 30 tôi mới nhận ra nỗ lực sống không một chút nợ nần hoá ra chỉ là một ảo tưởng chẳng thể đạt được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO