Chính sách tài khóa, tiền tệ: Thận trọng trước các phản ứng phụ

Linh Khang | 22:48 04/02/2022

Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Chính sách tài khóa, tiền tệ: Thận trọng trước các phản ứng phụ
Việc mở rộng chính sách tiền tệ quy mô lớn sẽ có hiệu quả thấp do khả năng hấp thụ dòng tín dụng mới là rất khó khăn.

Đó là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quan điểm của Nghị quyết là điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ tăng bội chi ngân sách nhà nước để tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước khi thực hiện giải pháp miễn, giảm thuế để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thực tế chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Việt Nam đã thực hiện trong 2 năm qua, khi dịch Covid – 19 bùng phát và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nghị quyết 43/2022 là mở rộng thêm chính sách cho giai đoạn tới cũng như sửa đổi, bổ sung thêm nhiều điểm mới cho phù hợp.

MarketTimes lược ghi lại ý kiến của các chuyên gia về việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian qua cũng như những lưu ý trong giai đoạn tới.

CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ PHẢI HƯỚNG ĐẾN ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ CÔNG

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

pgs-ts-dinh-trong-thinh-khung-hoang-kinh-te-dang-den-gan-va-no-rat-khac-voi-nam-2008-696x453.jpg

Để triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, phải xem xét để hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp. Đặc biệt là xem sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa hỗ trợ ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài.

Do đó, chính sách tài khóa cần hướng đến đẩy mạnh đầu tư công đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải vào nhiều dự án như trước. Cần tính toán khi chi cho một dự án đầu tư công và dự án này phải tạo được nền tảng cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ cho phát triển bền vững.

Chúng ta cần định hướng ngay bằng đầu tư công, hướng tới phát triển xanh, kinh tế số để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Ngân sách nhà nước có thể cho doanh nghiệp vay không lãi suất hoặc lãi suất thầm để doanh nghiệp ứng trước tiền lương cho người lao động trong thời gian đầu khi còn khó khăn cũng là một cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa.

CÓ CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT THEO HƯỚNG BỀN VỮNG VỀ TÀI KHOÁ

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia

36d60afb678297dcce93_ytdu.jpg

Dịch Covid-19 tác động mạnh tới kinh tế thế giới và đang có dấu hiệu phục hồi, song sẽ theo hướng chậm dần (dưới 5%) trong các năm 2022 - 2023.

Việt Nam đang phục hồi có vẻ theo hình “chữ U” trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. Đây là điểm cần lưu ý để chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ không bị lỡ nhịp.

Chúng ta vẫn còn dư địa chính sách ở mức tương đối khả quan nên phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững về tài khóa. Còn dư địa tiền tệ có nhưng ít hơn bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng. Áp lực lạm phát tăng lên, nợ xấu cũng tăng, song, chúng ta vẫn có biện pháp gián tiếp và trực tiếp để tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1% thời gian tới..

Để triển khai các gói hỗ trợ này, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu, phải khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả. Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực. Ngoài ra, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ như chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát.

Tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho ngân hàng chính sách xã hội; có giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Chú trọng cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi; gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phòng, chống dịch. Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách.

THẬN TRỌNG HƠN ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

jacques-morisset.jpg

Để ổn định kinh tế cần có hai công cụ hỗ trợ đắc lực trong ngắn hạn là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việt Nam đã và đang triển khai chính sách này trong vòng 2 năm qua và theo tôi đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ này chưa đồng đều vì mới chỉ nhắm tới các hoạt động kinh doanh có liên quan tới ngân hàng, trong khi ở Việt Nam có ít nhất 50% các hoạt động kinh doanh ngoài ngân hàng.

Chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản và đó là kịch bản xấu nhất.

Một kịch bản khác là các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại rằng những rủi ro này ngày càng tăng khi Việt Nam đã triển khai chính sách tiền tệ. Do đó Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong vòng hai năm qua.

Còn về chính sách tài khóa, đó là việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả nếu Chính phủ có tiền để triển khai và Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai chính sách này. Tuy nhiên, không nên sử dụng công cụ này mãi mà hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và sử dụng nó để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước thời kỳ đại dịch.

HẠN CHẾ SỬ DỤNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT QUY MÔ LỚN

PGS. TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Trường đại học Kinh tế quốc dân

pgs.ts-to-trung-thanh.jpg

Chính phủ cần thận trọng trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế bởi dịch bệnh còn có thể kéo dài trong khi nguồn lực ngân sách hạn hẹp.

Việc mở rộng chính sách tiền tệ quy mô lớn sẽ có hiệu quả thấp do khả năng hấp thụ dòng tín dụng mới là rất khó khăn, các doanh nghiệp đóng cửa sản xuất hay sản xuất cầm chừng không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ.

Chính phủ chỉ nên hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thay vì sử dụng chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ lãi suất quy mô lớn để tránh rủi ro về lạm phát.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những giải pháp cần được triển khai mạnh do các nguồn lực tư nhân và FDI giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chính sách tài khóa, tiền tệ: Thận trọng trước các phản ứng phụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO