Bắc Ninh còn hơn 1.300 căn “ế”
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước, đã hoàn thành 307 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2. Hiện cả nước tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số lượng NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công 20 dự án với tổng số khoảng 37.791 căn, trong đó, NƠXH có 17 dự án quy mô 34.431 căn và nhà ở công nhân có 03 dự án quy mô 3.360 căn.
Thực tế các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn thiếu NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động. Nhất là sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ năm 2021 khiến nhu cầu về NƠXH ngày tăng cao.
Báo cáo của Sở Xây dựng Long An cho thấy, toàn tỉnh có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 12.285,48ha, trong đó có 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê gần 3.512ha/4.076ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,45%. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 7 dự án NƠXH dành cho công nhân và người thu nhập thấp hoàn thành đưa vào sử dụng với 1.884 căn.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu NƠXH luôn tăng cao theo từng năm, cụ thể trong 15 năm từ 2006 – 2020 thành phố xây dựng được 31 dự án với khoảng 18.800 căn hộ. Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến xây dựng khoảng 35.000 căn tương đương 2,5 triệu m2 sàn xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 09 dự án NƠXH đang triển khai với diện tích đất 17,54ha, quy mô 6.231 căn hộ
Còn Đồng Nai và Bình Dương mặc dù đã làm được một số dự án, tuy nhiên nhu cầu thực tế vẫn còn thiếu nhiều. Cụ thể, mục tiêu Đồng Nai đề ra giai đoạn 2021-2025 là 10.000 căn, giai đoạn 2026-2030 là 40.000 căn. Đối với Bình Dương mặc dù là được đánh giá là thành công trong phát triển NƠXH nhưng mới chỉ đạt 24% kế hoạch trong giai đoạn 2011 – 2015 và 65% giai đoạn 2016 – 2020…
Theo thông tin nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại một số địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp với hàng trăm nghìn lao động nhập cư ghi nhận tình trạng “ế ẩm" dù chào bán nhiều lần.
Hồi tháng 8 vừa qua, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, dù tỉnh Bắc Ninh triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà với việc mua nhà ở công nhân.
“Tại Bắc Ninh, trong số 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện. Các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được rất ít, hiện 7 dự án vẫn còn tồn 1.324 căn nhà nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít”, VARS nêu.
Gỡ vướng chính sách đối tượng mua nhà
Lý giải nguyên nhân, theo ông Nguyễn Hoàng Nam - thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc G-Home là do người cần mua thì không mua được trong khi chính sách lại hướng về người không cần mua.
“Luật liên quan NƠXH rất siết đối tượng mua, nhiều tỉnh chỉ bán cho công nhân. Nhiều tỉnh lại chỉ bán cho công nhân trong một khu công nghiệp. Thậm chí, có tỉnh chỉ bán cho đối tượng công nhân trong KCN nhưng chỉ thuộc một huyện. Trong khi đó, tính gắn kết của công nhân với địa phương chưa chắc đã cao”, ông Nam chia sẻ.
Trước đó, chia sẻ với MarketTimes, ôngVương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng (đơn vị xây dựng nhà ở xã hội ở Bắc Ninh) chia sẻ, cái khó nhất là tại Khoản 5 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN là đối tượng được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội như: thuê, mua. Tuy nhiên, nhiều điều kiện khác kèm theo như thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình… nên số người lao động tiếp cận thuê, mua nhà ở xã hội chưa nhiều. Hơn nữa, doanh nghiệp làm nhà ở chỉ cho một đối tượng duy nhất là công nhân, 9 đối tượng còn lại được quy định trong việc mua nhà ở xã hội không được tiếp cận. Thế nên, 1.400 căn nhà của Tập đoàn mới bán được 100 căn cho công nhân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, để đảm bảo an sinh, xã hội, để không còn hiện tượng NƠXH vừa thiếu vừa “ế", cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển NƠXH. Đồng thời, mở rộng đối tượng được thụ hưởng các chính sách về nhà ở, đặc biệt là NƠXH. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH (được thuê, thuê mua, mua) cần được điều chỉnh với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy phát triển NƠXH. Dự án NƠXH cần được nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện cho người dân sinh sống lâu dài. Để nâng cao chất lượng nhưng vẫn đảm bảo giá thành hợp lý, chủ đầu tư thu được lợi nhuận, nên phát triển dự án nhà ở xã hội với quy mô phù hợp.
Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách về NƠXH cũng cần thay đổi phù hợp hơn, nhà ở xã hội không phải là bán cho người giàu nhưng cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao. Bởi nếu người dân có thu nhập quá thấp, hộ nghèo, cận nghèo, dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân, có nghĩa, những người này không đủ tiền để trang trải cuộc sống, không có tích luỹ. Do đó, họ cũng không thể mua nhà ở xã hội.