Chính phủ yêu cầu hoàn thành xử lý 5 dự án yếu kém của ngành công thương
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 155/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021.
Nghị quyết nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2021, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành việc xử lý đối với 5 dự án theo chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Đối với 7 dự án còn lại, khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo xây dựng, quyết định và tổ chức thực hiện phương án xử lý sớm, dứt điểm, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền.
Triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian còn lại của năm 2021, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại cơ sở; phát huy trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, kiên định trong phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là yêu cầu 5K đối với cá nhân và an toàn Covid-19 đối với cơ quan, tổ chức.
Rà soát, triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine, bảo đảm tiêm hết cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền..., chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 12 năm 2021.
Trường hợp khó khăn, vướng mắc, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; rà soát, kiểm tra toàn bộ việc bảo quản, tiêm vaccine theo đúng quy định, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc do nguyên nhân chủ quan; tiếp tục chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông dữ liệu dân cư với thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, xét nghiệm của người dân.
Cấp phát ngay thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất cho người nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng, kịp thời đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo vệ an toàn sản xuất, kinh doanh; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, không để người dân bị đói, rét, tập trung khôi phục sản xuất ngay sau lũ để sớm ổn định đời sống.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; kịp thời phát hiện, chỉ đạo bãi bỏ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay những biện pháp phòng, chống dịch của địa phương trái với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, gây cản trở quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương để có phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch, trong đó có phương án phối hợp, chi viện, hỗ trợ, điều phối chỉ huy phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết, nhất là đối với các địa phương có diễn biến dịch bùng phát phức tạp. Chủ động giám sát, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, hiệu quả để hạn chế nguy cơ của sự xuất hiện biến chủng mới Omicron.
Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; các Tổ công tác được thành lập theo Quyết định sổ 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thời gian quy định.
Rà soát, có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, dễ bị lợi dụng để cản trở, sách nhiễu, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo đảm nhanh chóng và thuận lợi, nhất là đối với việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp và các cơ quan, địa phương liên quan để rà soát các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 2 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các Nghị quyết nêu trên trong tháng 12 năm 2021.
Triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó khẩn trương rút kinh nghiệm, mở rộng ra cả nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; chủ động có giải pháp khai thác hiệu quả các dư địa thu, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tiết kiệm chi ở mọi cấp, mọi ngành; xây dựng phương án huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các tuyến biên giới đường bộ, từ biên giới vào nội địa, các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, tại các thành phố lớn, địa bàn trung chuyển và xuất phát nguồn hàng...
Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài trong thực hiện và giải ngân sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và các dự án thuộc giai đoạn 2016 - 2020 được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm vừa góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Bảo đảm cung ứng, lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý, điều hành thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhất là vào dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) để Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2021.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan chức năng, dự báo chính xác tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhất là trước tình hình mưa lũ ở khu vực Nam Trung bộ, rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau lũ để sớm bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường bất động sản, thường xuyên, chủ động cập nhật, cung cấp thông tin đến người dân, xã hội để góp phần hạn chế các rủi ro của thị trường bất động sản. Khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc trong thực tế để tháo gỡ ngay, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tích hợp dịch vụ công trực tuyến về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và Dịch vụ công cung cấp thông tin quy hoạch lên cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư mới và tiến độ giải ngân các dự án giao thông trọng điểm đang thi công, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để ban hành trong tháng 12 năm 2021.
Chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương công tác bảo đảm an toàn giao thông, chỉ đạo khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ, nhất là các trục giao thông chính.
Thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương tiếp tục có các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, nhất là dịp Giáng sinh, năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam phù hợp với đặc điểm, tình hình dịch COVID-19; kịp thời sơ kết, đánh giá để xây dựng phương hướng, kế hoạch đón khách quốc tế cho năm 2022. Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số và ứng dụng công nghệ mới.
Tổ chức, đôn đốc triển khai hoạt động thể dục, thể thao trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 ; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 gắn với các phương án chủ động ứng phó dịch bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tích cực phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi bảo đảm khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; phối hợp với các địa phương có kế hoạch cụ thể cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả trong giáo dục và đào tạo. Xây dựng, chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường, thích ứng tốt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong một số cơ sở giáo dục đại hoc.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động nghiên cứu và thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; trong đó phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực hải quan, ngân hàng, thuế, chứng khoán, bảo hiểm..
Bộ Công an chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi xuất nhập cảnh trái phép, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, buôn lậu...; xử lý kịp thời những tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là về biên giới, biển, đảo, vùng trời. Nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phương án để tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... khi có yêu cầu của địa phương.